Phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước
Ngày 31-10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách ba năm 2018-2020.
Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng trước những kết quả khả quan của KT-XH đất nước năm 2017. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ những thách thức để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội.
Những điểm sáng của nền kinh tế
Đánh giá về kết quả phát triển KT-XH năm 2017, đại biểu Trần Công Thuật (đoàn Quảng Bình) bày tỏ, kết quả cho thấy có nhiều niềm vui, thể hiện ở chỗ cả 13 chỉ tiêu đều đã đạt và vượt kế hoạch đặt ra, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhiều khả năng đạt 6,7%. Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động vào NSNN, dự trữ ngoại hối tăng, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng, đời sống của nhân dân được cải thiện. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) nhìn nhận, năm 2017, chúng ta thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thế giới có những diễn biến khó lường, tiềm ẩn bất ổn chính trị; nước ta cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Hơn nữa, động lực cho tăng trưởng hiện nay có tỷ trọng cao từ công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất điện tử, linh kiện, xây dựng và du lịch dịch vụ, nông-lâm-thủy sản, xuất nhập khẩu.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2017. Trong ảnh: Vận chuyển công-ten-nơ tại cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng).
Đối với kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, năm tới sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục đạt tăng trưởng kinh tế cao, tuy nhiên cần chú trọng đến chất lượng tăng trưởng. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) nêu ý kiến đồng thuận với mục tiêu tiếp tục ổn định vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất, tốc độ tăng GDP năm 2018 đặt ra ở mức 6,5-6,7% nhằm tạo đà nâng cao chất lượng tăng trưởng. Để nền kinh tế đi vào chất lượng thì phải giải quyết 3 khía cạnh, tốc độ tăng trưởng, tốc độ lạm phát và vấn đề thất nghiệp, giải quyết việc làm.
Nhìn rõ thách thức để có giải pháp cụ thể
Bên cạnh nhận định những ưu điểm, yếu tố tích cực của KT-XH đất nước là rất căn bản, các ý kiến đại biểu Quốc hội cũng tập trung nêu rõ những thách thức không chỉ trong thời gian còn lại của năm 2017 mà còn những năm tới. Đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) cho rằng, thách thức đối với việc đạt các mục tiêu trong năm 2017 và phát triển bền vững vẫn rất lớn, trong đó, Chính phủ đã nhìn thấy những hạn chế, tồn tại trong cơ cấu lại nền kinh tế, giới hạn của nợ công, nợ xấu, hiệu quả đầu tư công chưa cao, thu ngân sách từ nội địa mới đạt 80%. Điều đó cho thấy năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện đáng kể. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) lưu ý đến tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, trong khi Chính phủ thể hiện trách nhiệm và quyết liệt thì bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ, không làm tròn nhiệm vụ.
Đánh giá kết quả tăng trưởng kinh tế vừa qua có đóng góp nguồn lực quan trọng từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cũng thẳng thắn phân tích, GDP của đất nước tăng, giảm đột ngột chỉ vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp FDI là vấn đề đáng lo ngại. Đại biểu Phạm Trọng Nhân tán đồng nhiều giải pháp của Chính phủ về thu hút FDI, đồng thời kiến nghị không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải có chọn lọc. Ưu tiên các lĩnh vực, các ngành có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sẵn chuỗi liên kết và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam. Cần có cam kết lộ trình chuyển giao công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa, trên hết phải ưu tiên những lĩnh vực phù hợp với mục tiêu của đề án cơ cấu lại nền kinh tế.
Đại biểu Đỗ Trọng Hưng (đoàn Thanh Hóa) lo lắng trước ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm tổ chức hội nghị bàn giải pháp căn cơ, lâu dài, nhằm khắc phục tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước mắt, bố trí nguồn vốn đầu tư năm 2018, hỗ trợ cao hơn cho các tỉnh khó khăn bị thiệt hại nặng nề về thiên tai; các tỉnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Về lâu dài, cần tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động phòng, chống giảm nhẹ thiên tai.
Tham gia ý kiến vào dự toán NSNN năm 2018, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nêu vấn đề, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, phần lớn là tiền vay nhưng phân bổ chi đầu tư phát triển dàn trải, các ưu tiên cho mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế bố trí chậm, không đủ vốn. Bên cạnh đó, bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình đổi mới cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp để giảm chi ngân sách; sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công năm 2018 để dành nguồn triển khai các dự án quan trọng quốc gia. Bổ sung thêm nội dung này, đại biểu Lê Minh Chuẩn (đoàn Quảng Ninh) đề xuất, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng thu tối đa, với mức thuế và phí rất cao song kết quả thu NSNN không đạt được như mục tiêu, phải chăng nên xem xét lại chính sách thuế và phí đang hiện hành.
Nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,5-6,7%
Phát biểu giải trình một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, số liệu thống kê về KT-XH, trong đó có số liệu về tăng trưởng GDP là đáng tin cậy, có cơ sở khoa học, thực hiện đúng quy định pháp luật và được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế công nhận. Theo quy luật, quý IV thường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm vì các yếu tố liên quan đến sản xuất, mùa vụ..., từ đó, tạo điều kiện để hoàn thành mục tiêu cả năm.
Đánh giá về chất lượng tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, trong giai đoạn 2011-1017, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện theo hướng tích cực và dần được nâng lên cùng với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, thể hiện trên các chỉ tiêu như: Tăng trưởng duy trì ở mức độ trung bình cao và tương đối ổn định, bình quân 6,07%/năm; tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp, dịch vụ, giảm phụ thuộc khai thác tài nguyên; môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh có nhiều tiến bộ... Năm 2018, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên cơ sở dự báo về tình hình trong nước, quốc tế, việc đặt mục tiêu tăng GDP 6,5-6,7% là hợp lý. Mô hình kinh tế nước ta hiện nay chưa thể chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu trong thời gian ngắn, nếu đặt mục tiêu quá cao có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững trong những năm sau.
Hôm nay (1-11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về phát triển KT-XH, NSNN.
Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-ben-vung-kinh-te-xa-hoi-dat-nuoc-522278