Phát triển bền vững vùng nguyên liệu sắn

Với cấu trúc địa hình và tiểu khí hậu phù hợp cho việc phát triển cây sắn, những năm qua các huyện miền núi đã có giải pháp mở rộng diện tích trồng sắn. Đến nay, người dân trong tỉnh đã trồng trên 13.500 ha bằng các loại giống KM 94, KM 140 cho năng suất từ 18 - 20 tấn/ha, qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.

Người dân xã Xuân Hòa (Như Xuân) thu hoạch sắn niên vụ 2021-2022.

Tuy nhiên, đến nay vùng nguyên liệu sắn mới đáp ứng được 60% công suất cho 6 nhà máy chế biến tinh bột sắn. Các nhà máy phải thu mua sắn ở các tỉnh khác, kể cả bên nước bạn Lào. Nguyên nhân do vùng nguyên liệu sắn vẫn còn chia cắt, manh mún, hình thức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, trình độ thâm canh cũng như khả năng đầu tư cho cây sắn còn hạn chế, dẫn đến năng suất, chất lượng sắn nguyên liệu đạt thấp, chưa phát huy tối đa hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, việc phát triển cây sắn nguyên liệu thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức, gần như chưa có chính sách phát triển nào dành cho cây sắn nguyên liệu, khiến cây sắn gần như bị “lép vế” so với nhiều loại cây trồng khác. Đáng chú ý, vài năm trở lại đây, trên nhiều diện tích trồng sắn nguyên liệu xuất hiện bệnh khảm lá vi-rút hại sắn, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng của sắn nguyên liệu.

Để đảm bảo nguyên liệu sắn cho hoạt động chế biến, những năm qua đã có một số nhà máy chế biến tinh bột chủ động đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, như: Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Như Xuân đã đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm cho 5.000 ha sắn của người dân tại các huyện Như Xuân, Thường Xuân, Nông Cống, Triệu Sơn. Để đồng hành với người trồng sắn, công ty đã đầu tư ứng trước vật tư, phân bón, công chăm sóc; chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân; đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sắn tươi theo hướng điều chỉnh giá thị trường, hài hòa giữa lợi ích người dân và doanh nghiệp. Hay như, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu 3.000 ha sắn tại các vùng thâm canh trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu sắn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho chế biến.

Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội sắn Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, để phát triển vùng nguyên liệu sắn một cách bền vững, có năng suất, chất lượng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân các dân tộc trong vùng dự án, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cần có các giải pháp như: Kế hoạch ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn về cây sắn và xác định cây sắn là cây chủ lực quốc gia, đúng với tinh thần Thông tư số 37, ngày 25-12-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có chính sách và chương trình cụ thể về giống, bảo vệ thực vật và những biện pháp phòng, chống dịch, bao vây dịch bệnh đối với cây sắn. Bên cạnh đó, đưa những bộ giống mới có năng suất và khả năng kháng bệnh cao vào trồng, từng bước chuyển giao thay thế dần giống cũ. Các địa phương có nhà máy chế biến tổ chức cho nhà máy ký kết hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu với các tổ chức, cá nhân trồng sắn để ổn định vùng nguyên liệu an toàn dịch bệnh gắn với chế biến. Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất sắn nguyên liệu. UBND các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành có liên quan phối hợp với các nhà máy quản lý tốt vùng nguyên liệu trên địa bàn, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tranh chấp nguyên liệu...

Bài và ảnh: Vũ Khắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-vung-nguyen-lieu-san/165425.htm