Phát triển các tiểu vùng nông nghiệp ở Đam Rông

Việc chia thành các tiểu vùng nhỏ và chọn những hướng đi phù hợp cho nông nghiệp của từng khu vực là giải pháp mà huyện Đam Rông đã và đang triển khai. Giải pháp này đang từng bước hình thành nên bức tranh nông nghiệp đa dạng và hiệu quả ở Đam Rông.

Trồng dâu nuôi tằm đang là hướng đi mới hiệu quả ở khu vực tiểu vùng 3 xã Đầm Ròn

Trồng dâu nuôi tằm đang là hướng đi mới hiệu quả ở khu vực tiểu vùng 3 xã Đầm Ròn

Đam Rông là huyện khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Địa phương này xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực để thoát nghèo. Theo đó, Nghị quyết số 12 năm 2019 về sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững, từng bước ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 và những năm tiếp theo đã được xây dựng. Ngoài ra, trên cơ sở Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Đam Rông cũng đã ban hành và thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó việc phát triển kinh tế vùng được chú trọng, hình thành các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp.

Lý giải về việc hình thành các tiểu vùng trong sản xuất nông nghiệp ở Đam Rông, ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho rằng: Đam Rông có địa hình bị chia cắt, độ cao và nhiệt độ ở các khu vực có sự chênh lệch dẫn đến khí hậu và thổ nhưỡng giữa các khu vực cũng khác nhau. Nên hình thành các loại cây trồng khác nhau phù hợp với từng vùng. Bên cạnh đó, trình độ dân trí, phong tục sản xuất cũng có sự khác nhau giữa các vùng nên việc chia thành các tiểu vùng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ tạo nên sự đầu tư tập trung, phù hợp và có hiệu quả.

Theo đó, hiện nay, Đam Rông được chia thành ba tiểu vùng với các hướng đi khác nhau trong phát triển nông nghiệp gồm: Tiểu vùng 1 khu vực hai xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng; tiểu vùng 2 gồm 3 xã: Liêng Sronh, Rô Men, Đạ Rsal và tiểu vùng 3 gồm 3 xã Đầm Ròn: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông. Ngoài sự chênh lệch về điều kiện tự nhiên, trình độ dân trí, xu thế phát triển của các tiểu vùng cũng hoàn toàn khác nhau. Nếu như khu vực Đầm Ròn chưa giải quyết dứt dạc việc còn hộ thiếu đói thì khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng đã xuất hiện những nông hộ đang hướng đến sản xuất nông nghiệp thông minh. Bởi vậy, mặc dù sự đầu tư vào nông nghiệp được tập trung như nhau, song hướng đi mỗi tiểu vùng lại khác nhau. Cụ thể, với khu vực ba xã Đầm Ròn, ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn, vận động sản xuất lúa đồng trà, đồng vụ, chăm sóc nâng cao năng suất lúa và cà phê hiện có. Đồng thời chuyển đổi diện tích trồng bắp, lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Tiểu vùng xã Đạ Rsal, Liêng Sronh, Rô Men tập trung phát triển trồng cây ăn trái xen vườn cà phê, chăm sóc ghép cải tạo cà phê. Tiểu vùng hai xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng tập trung tái canh diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả, trồng cây mắc ca xen cà phê và chuyển đổi diện tích trồng cà phê năng suất thấp nhưng bằng phẳng sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Xác định rõ đặc trưng, lợi thế cũng như những vấn đề hạn chế của từng khu vực, ngành nông nghiệp huyện cùng với chính quyền địa phương tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời hướng dẫn lồng ghép nguồn kinh phí được hỗ trợ hàng năm để tiếp sức cho bà con phát triển sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn, học tập trao đổi đầu bờ… nhằm nâng cao kỹ thuật sản xuất cho nông hộ. Theo đó, đến cuối năm 2020, khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng đã chuyển đổi và thâm canh ổn định diện tích cà phê, phát triển nhiều diện tích trồng rau, hoa thương phẩm, mắc ca xen canh cà phê. Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn đã đạt gần 100 ha. Trong đó, nhà kính đạt 16 ha, chủ yếu ở khu vực hai xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng, cho thu nhập 800 - 900 triệu đồng/ha. Khu vực các xã: Đạ Rsal, Rô Men và Liêng Sronh thâm canh ổn định diện tích cà phê trên 4 ngàn ha và phát triển mạnh diện tích cây ăn trái. Còn khu vực Đạ M’Rông, Đạ Tông và Đạ Long, thâm canh diện tích lúa gần 1 ngàn ha, phát triển mạnh diện tích trồng dâu tằm…. Thông qua xây dựng, phát triển kinh tế các tiểu vùng đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Huyện ủy Đam Rông khẳng định: “Với một huyện như Đam Rông, nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế chủ lực, đã có sự phát triển tương đối toàn diện cả về quy mô, chất lượng và trình độ canh tác. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác của nông hộ, phát huy lợi thế so sánh, tiềm năng của từng tiểu vùng. Vận dụng tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Sản phẩm nông nghiệp địa phương ngày càng đa dạng, giá trị sản xuất năm 2020 đạt trên 1.183 tỷ đồng, tăng gần 58% so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,5%”.

Mặc dù việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, các tiểu vùng sản xuất đang ngày càng khẳng định hình hài, tuy nhiên thực tế việc chuyển đổi của người dân vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Năng suất và thu nhập trên một đơn vị diện tích chưa thực sự cao. Chuỗi liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ cũng như việc phát triển thương hiệu chưa thực sự vững mạnh. Đây là những nút thắt, điểm nghẽn của nông nghiệp Đam Rông mà cần có cả sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của chính người dân mới tạo nên thế kiềng ba chân vững chãi, đưa nông nghiệp nói riêng và Đam Rông nói chung phát triển.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202103/phat-trien-cac-tieu-vung-nong-nghiep-o-dam-rong-3049123/