Phát triển cây quế theo hướng hữu cơ ở Văn Yên
Những năm gần đây, việc trồng quế an toàn, hữu cơ đã được đông đảo người dân ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái triển khai, áp dụng. Việc trồng quế hữu cơ giúp nâng cao giá trị cây quế, tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định và bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn, hướng người dân đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.
Với giá trị kinh tế từ cây quế đem lại, Văn Yên đang đẩy mạnh phát triển cây quế, đặc biệt mở rộng vùng quế hữu cơ. Nhưng, để đạt chuẩn quế hữu cơ người dân phải trồng, chăm sóc hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì nhiêu của đất và đa dạng sinh học, không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp, phân bón tổng hợp. Đây cũng là cơ hội, động lực giúp người dân Văn Yên nâng cao vị thế cây quế, tạo dựng, nâng tầm thương hiệu quế Văn Yên có chỗ đứng vững chắc và vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.
Hướng đi bền vững cho bà con
Ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, hiện nay người dân Văn Yên không chỉ sản xuất quế truyền thống, mà còn thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị cây quế và bảo vệ môi trường.
Huyện Văn Yên hiện có gần 50.000ha diện tích đất trồng quế. Với khí hậu và đất đai phù hợp cây quế sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt hàm lượng tinh dầu cao. Xã Xuân Ái, huyện Văn Yên là một trong những xã đang xây dựng sản phẩm quế hữu cơ.
Toàn xã có hơn 1.500ha quế, tập trung nhiều tại thôn Đoàn Kết, Bóng Bưởi, Ngòi Viễn, hầu hết thu nhập của người dân trong xã đều từ cây quế.
Sở dĩ cây quế có giá trị kinh tế cao bởi nhiều hộ dân trồng quế theo hướng an toàn, hữu cơ, nâng cao tỷ lệ lượng tinh dầu quế, hơn nữa cây quế có thể tận dụng bán được từ vỏ đến thân, lá.
Với diện tích 3ha quế, từ nhiều năm nay gia đình Chị Tráng Thị Mây, thôn Bóng Bưởi, xã Xuân Ái đã không còn phun thuốc trừ cỏ cho quế, thay vào đó tiến hành phát cỏ bằng máy.
Chị Mây chia sẻ, trước đây gia đình chị và các hộ trong thôn vẫn phun thuốc trừ cỏ, bón phân khi quế còn nhỏ để cây quế phát triển nhanh. Nhưng vài năm gần đây mọi người đều ý thức được tác hại của thuốc trừ sâu nên nhà nào cũng tự sắm một máy phát cỏ về để phát.
Cùng với đó, hiện nay trên địa bàn thôn còn rất nhiều hộ dân sử dụng nguồn nước mạch, nước trên các vách núi, nếu trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ như vậy cũng đảm bảo được nguồn nước không bị ảnh hưởng, môi trường cũng được bảo vệ.
Hay như tại hộ gia đình Anh Vàng A Minh, thôn Đoàn Kết đã từ lâu không sử dụng đến thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Anh Minh cho biết, do đất ở đây tốt nên mỗi khi trồng quế chỉ việc phát sạch cỏ rồi đốt, sau đó tiến hành trồng quế, cây quế cứ thế mà phát triển, một năm chỉ cần phát 2 lần cỏ.
Đối với quá trình khai thác, sau khi bóc quế từ trên đồi về thì phải phơi trên cao hoặc sân sạch, không gần những khu vực có phân hóa học, thuốc hóa học, thuốc trừ sâu. Việc sản xuất quế an toàn, hữu cơ sẽ có giá bán ổn định và cao hơn một đến hai giá so với quế thường. Năm nay quế được giá, mỗi 1kg vỏ quế khô có giá từ 60.000-70.000 đồng.
Đổi thay từng ngày
Là xã vùng sâu của huyện Văn Yên, nhiều năm trước, kinh tế của xã Xuân Tầm chậm phát triển nên đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, chính quyền xã Xuân Tầm đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thành lập các tổ hợp tác, HTX sản xuất nông, lâm nghiệp đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, phát huy thế mạnh trồng quế hữu cơ theo hướng bền vững.
Ông Trần Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên cho biết, để nâng cao giá trị cây quế Văn Yên có thương hiệu và phát triển bền vững, xã tiếp tục tuyên truyền bà con thay đổi thói quen chăm sóc cây quế từ phun thuốc cỏ, bón phân sang phát cỏ bằng máy phát và không bón phân các loại, hướng đến xây dựng vùng sản xuất quế an toàn, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, cùng với đó là thành lập các HTX để liên kết sản xuất, sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, an toàn bền vững.
Được thành lập tháng 5 năm 2011, HTX Bách Lâm hiện đóng trên địa bàn xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên. Hiện nay, tổng giá trị tài sản của HTX là 3 tỷ đồng, sự ra đời của HTX Bách Lâm đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho vùng quế Xuân Tầm. Bên cạnh việc nâng cao kỹ thuật trồng quế theo tiêu chuẩn hữu cơ, HTX còn tạo việc làm cho con em trên địa bàn xã Xuân Tầm, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Theo đó, để bao tiêu sản phẩm cây quế (gồm: vỏ quế khô, quế vụn, cành, lá quế) cho bà con, HTX luôn chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đồng thời, chủ động kết nối với người dân và các tư thương để thu mua sản phẩm từ cây quế. Hiện nay, HTX không chỉ bao tiêu sản phẩm cây quế cho bà con trên địa bàn xã Xuân Tầm mà còn mở rộng ra tất cả các xã trồng quế lân cận với giá ổn định nên bà con rất yên tâm.
Hay như tại HTX Quế Sơn, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, nhờ hoạt động theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường hiệu quả đã góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên HTX.
Giám đốc Nguyễn Văn Tám cho biết: "HTX đang có doanh thu bình quân gần 20 tỷ đồng/năm. 8 tháng đầu năm 2020, HTX chế biến và bán ra thị trường hơn 400 tấn quế hàng hóa, thu về hơn 10 tỷ đồng. HTX cũng đang tạo việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng".
Hiện nay ở Văn Yên, các HTX đang thực sự là “cầu nối” giúp bà con trồng quế yên tâm đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Được biết, thời gian tới, huyện Văn Yên tiếp tục vận động người dân trồng quế theo vùng quy hoạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm nông nghiệp xanh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương.