Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học

Thời gian qua, cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học

Chăn nuôi gà an toàn sinh học.

Chăn nuôi gà an toàn sinh học.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến nay, tỉnh có 580 trang trại chăn nuôi gia súc (gồm 128 trang trại chăn nuôi heo tập trung với tổng đàn trên 238.000 con; 49 trang trại chăn nuôi trâu với 1.359 con; 403 trang trại chăn nuôi bò với trên 18.800 con) và 111 trang trại chăn nuôi gia cầm (79 trang trại gà với 7,2 triệu con; 32 trang trại vịt với 183.300 con).

Tân Châu và Tân Biên là hai địa phương có những kết quả nổi bật trong việc chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại. Qua thống kê, tại Tân Châu, tổng đàn trang trại heo trên địa bàn gần 46.000 con, chiếm 87,7% tổng đàn heo của huyện; tổng đàn trang trại gà trên 1,5 triệu con, chiếm 94% tổng đàn gà của huyện. Huyện Tân Biên có tổng đàn trang trại heo trên 74.300 con, chiếm 95% tổng đàn heo của huyện; tổng đàn trang trại gà trên 3 triệu con, chiếm 99% tổng đàn gà của huyện.

Việc triển khai vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) được tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Dương Minh Châu là huyện được chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà và 70 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận ATDB (50 cơ sở chăn nuôi gà, 18 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò). Ngoài ra, 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 9 xã của huyện Bến Cầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh lở mồm long móng trên bò.

Để thực hiện đạt các kết quả trên, ngành Nông nghiệp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tham mưu UBND tỉnh thu hút các doanh nghiệp chăn nuôi có tiềm lực về vốn và kỹ thuật đầu tư trên địa bàn tỉnh như Công ty chăn nuôi BaF, Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty TNHH De Heus, Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Công ty TNHH QL Việt Nam Agroresources... Tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, trang trại, an toàn sinh học, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng và triển khai thực hiện vùng không được phép chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi.

Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm, trong đó, vận động các trang trại tự tiêm phòng bảo vệ cho đàn gia súc, gia cầm của mình, tổ chức tiêm phòng vaccine đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặt khác, tiếp tục duy trì các cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh đã xây dựng; xây dựng mới các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh khi có nhu cầu của người chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong thời gian tới, đơn vị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030. Đến năm 2025, tỉnh sẽ có 3 vùng cấp huyện (Tân Biên, Tân Châu, Gò Dầu) đạt ATDB theo quy định của Việt Nam; 1 vùng cấp huyện (Dương Minh Châu) đạt ATDB theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 1 vùng cấp huyện (Bến Cầu) đạt ATDB đối với bệnh lở mồm long móng trên bò theo quy định của Việt Nam.

Đến năm 2030, các vùng đã đạt ATDB tiếp tục được duy trì; có 5 vùng cấp huyện (thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu, huyện Châu Thành) đạt ATDB theo quy định của Việt Nam; 2 vùng cấp huyện (Tân Biên, Tân Châu) đạt ATDB theo quy định của WOAH đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 1 vùng cấp huyện (Bến Cầu) đạt ATDB đối với lở mồm long móng trên bò theo quy định của WOAH.

Giang Hà

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/phat-trien-chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-a165316.html