Phát triển công nghệ cao: Cơ chế đã mở, bước tiếp theo là tạo đột phá
TP. Hà Nội phấn đấu tăng trưởng trên 8%, tạo tiền đề tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo. Để làm được việc này đòi hỏi đẩy mạnh sản xuất tại các khu công nghệ cao, qua đó đưa kinh tế bứt tốc.

Các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ cao Hòa Lạc nên lựa chọn phát triển những sản phẩm công nghiệp chủ lực, như thế không tạo ra sự cạnh tranh với các địa phương trong cả nước.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Hà Nội, trong nửa đầu năm 2025, Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã thu hút được 125 triệu USD vốn đầu tư.
Lũy kế đến nay, thu hút được 844 dự án, trong đó có 734 dự án trong Khu công nghiệp và 110 dự án trong Khu Công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 13,75 tỷ USD. Khu công nghệ cao Hòa Lạc thu hút 5 tỷ USD vốn đầu tư, có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản)...; các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội thu hút 9,32 tỷ USD.
Dự kiến, từ nay đến hết năm 2025, thông qua các hoạt động xúc tiến, Ban quản lý sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư để thu hút 450 triệu USD vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, trong khu công nghệ cao đạt khoảng 80 triệu USD. Qua đó đưa lũy kế thu hút đầu tư cả nhiệm kỳ 2021-2025 đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng trên 40% so với giai đoạn 2016-2020.
Theo Trưởng ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Hà Nội Vũ Xuân Hùng, các khu công nghệ cao được định hướng trở thành những đô thị khoa học và công nghệ thông minh, tạo tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, đây cũng là điểm khó đối với một số doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn lớn khi mà họ chỉ muốn tập trung đầu tư vào sản xuất mà không quan tâm đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, mô hình quản lý vẫn chưa có nền tảng pháp lý vững chắc, chưa theo kịp tốc độ phát triển các khu công nghệ cao; chưa có một cơ chế hợp tác, liên kết rõ nét với vai trò điều phối của bộ chủ quản trong công tác quản lý Nhà nước theo một chiến lược phát triển các khu công nghệ cao chung trên bình diện quốc gia.
TP. Hà Nội rất nỗ lực để thu hút các chuyên gia đến làm việc tại khu công nghệ cao, nhưng các chính sách đãi ngộ vẫn là điểm nghẽn. Ngoài ra, các nhà đầu tư thường có nhu cầu được xây dựng dự án trên khu đất liền khoảnh thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được phân chia thành các khu vực theo các chức năng cụ thể nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.
Để thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, công nghệ cao, ông Vũ Xuân Hùng đề xuất UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp và Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời, bố trí ngân sách cho Ban Quản lý để triển khai công tác chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng của khu công nghệ cao Hòa Lạc; hỗ trợ chi phí đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và các hoạt động khoa học công nghệ; miễn giảm chi phí sử dụng hạ tầng, trong khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Khơi thông các điểm nghẽn, tạo đột phá
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, năm 2025, Thành phố phấn đấu tăng trưởng trên 8%, tạo tiền đề tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới. Để làm được việc này, các khu công nghệ cao phải đóng vai trò trung tâm, đưa nền kinh tế bứt tốc.
Theo đó, thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ thành lập thêm nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với làng nghề, qua đó phát triển kinh tế công nghiệp. Riêng với khu công nghệ cao Hòa Lạc, cần xác định đây là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, thành phố khoa học - công nghệ.
Các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ cao Hòa Lạc nên lựa chọn phát triển những sản phẩm công nghiệp chủ lực, như vậy không tạo ra sự cạnh tranh với các địa phương trong cả nước. Kêu gọi đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, giúp Hà Nội trở thành đầu tầu khu vực miền Bắc.
Đặc biệt, cần xác định rõ mục tiêu phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bảo đảm phát triển đồng bộ các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian xét duyệt hồ sơ đầu tư cho doanh nghiệp.
Luật Thủ đô 2024 đã cho phép TP. Hà Nội được quyền quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao trên địa bàn, qua đó giúp cho khu công nghệ cao có nhiều cơ hội phát triển. Khoản 2 Điều 24 Luật Thủ đô 2024 xác định vị trí đặc biệt của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là nơi nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Luật Thủ đô 2024 cũng quy định bố trí vốn ngân sách của TP. Hà Nội hỗ trợ khu công nghệ cao xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đặc biệt là xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê. Cùng với đó, cho phép ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi riêng, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư và hoạt động tại khu công nghệ cao.
Điều 36 Luật Thủ đô quy định Thành phố được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước, từ đó hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Quỹ đầu tư mạo hiểm bên cạnh việc bố trí vốn điều lệ từ ngân sách Thành phố còn được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 43 về ưu đãi đầu tư, Luật Thủ đô 2024 quy định các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực ưu tiên của TP. Hà Nội được hưởng nhiều ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân.
Rõ ràng, các cơ chế mở đã tạo ra không gian pháp lý và cơ chế đặc thù để Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghệ cao, hướng tới việc trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước. Bước tiếp theo Thành phố cần làm là tạo đột phá, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm công nghệ AI, nghiên cứu công nghệ bán dẫn, xây dựng khu vực lắp ráp, hướng tới xây dựng được khu vực sản xuất.../.