Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo phụ trợ cho ngành năng lượng

Từ năm 2020 đến nay, ngành công nghiệp của Bình Thuận có mức tăng trưởng khá với giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2022 thực hiện 39.189,7 tỷ đồng, tăng 15,33% so năm 2020. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) của ngành công nghiệp bình quân/năm (giai đoạn năm 2022 - 2023) là 7,29%...

Vẫn chưa tương xứng tiềm năng

Theo đó cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghiệp có quy mô lớn, nhất là các dự án năng lượng. Tiềm năng về năng lượng được khai thác, phát huy tốt, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, thuộc nhóm ngành hoạt động hiệu quả nhất, đóng góp lớn trong nền kinh tế của tỉnh. Đây cũng là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng về giá trị tăng thêm của ngành, góp phần khẳng định ngành công nghiệp tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế tỉnh. Ngoài ra ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản phẩm nhóm nông, lâm, thủy sản của tỉnh có bước phát triển khá…

Khai thác titan của Công ty Đức Cảnh tại mỏ Thiện Ái, Bắc Bình. Ảnh: T.Khoa

Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp tỉnh phát triển chưa đồng bộ, chưa đa dạng, tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành công nghiệp khai khoáng phát triển chậm, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng chưa phát triển. Đa số các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoạt động trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, chưa có nhiều sản phẩm mới, khả năng cạnh tranh còn gặp nhiều khó khăn đối với thị trường trong nước và bị hạn chế bởi các rào cản kỹ thuật trong thương mại trong xuất khẩu. Việc phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, khai khoáng còn nhiều hạn chế. Đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn chậm, chưa thu hút được các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh để đầu tư kết cấu hạ tầng. Thu hút đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế, đa số dự án thu hút được có quy mô nhỏ, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp chưa cao…

Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược

Để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng của tỉnh ngày càng bền vững hơn. Trước hết cần phát triển công nghiệp, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các công trình truyền tải điện, điện gió, điện mặt trời, khoáng sản gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận tài chính, tín dụng, đất đai… Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh. Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước, nhất là công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, cơ khí, điện tử và công nghiệp phụ trợ, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh. Tranh thủ tối đa các nguồn vốn (ODA, chương trình mục tiêu quốc gia, Trung ương hỗ trợ có mục tiêu…) đầu tư hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; các chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng… để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản trên địa bàn.

Đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư tạo đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với các sản phẩm lợi thế của tỉnh như hải sản, nước mắm, thanh long, cao su... với quy mô phù hợp, công nghệ hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao. Thực hiện tốt việc quản lý, khai thác và chế biến sâu quặng sa khoáng titan gắn với bảo vệ môi trường. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường để khai thác, chế biến sâu sa khoáng titan. Thực hiện nhất quán chủ trương không cấp phép sử dụng nước mặn, nước ngầm để tuyển tách quặng sa khoáng titan.

Bên cạnh đó tập trung phát triển một số ngành: Công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng; sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu ngành dệt - may, da - giày; sản xuất thiết bị điện, linh kiện điện tử; vật liệu mới, công nghiệp công nghệ cao… nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững. Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu chế biến, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng sản phẩm chế biến, tiêu thụ. Huy động nhiều nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông, sân bay, cảng biển.... Tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cơ bản hoàn thành đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, bãi bỏ các khâu, thủ tục không cần thiết. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-trien-cong-nghiep-che-bien-che-tao-phu-tro-cho-nganh-nang-luong-111758.html