Phát triển công nghiệp văn hóa cần phải đi đôi với xây dựng thành phố sáng tạo
Việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có tác động rất tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước. Trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả thương hiệu 'Thành phố sáng tạo' để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa giàu sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Những bước chuyển mang tính đột phá
Để phát triển được ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững và hiệu quả thì cần phải có các cơ sở hạ tầng vững chắc, đó chính là các không gian sáng tạo. Chính vì thế, trong những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới, hay Việt Nam đều mong muốn và hướng tới gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO để có thể phát triển nhiều không gian văn hóa sáng tạo tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết: Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế, với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Hiện nay, đã có hơn 350 thành phố của hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Mạng lưới này và cùng hướng tới một mục tiêu chung: đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, ở Việt Nam, năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chúng ta có mục tiêu là hình thành được 3 trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh và phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Từ đó đến nay, trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn nhưng cũng có rất nhiều chuyển biến tích cực, tính kết nối quốc tế đã có sự cởi mở hơn. Đặc biệt, thông qua quá trình hội nhập quốc tế, những người làm nghiên cứu, những người làm hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu và đề xuất đưa Hà Nội tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Và đến năm 2019, chúng ta đã thành công khi đưa thành phố Hà Nội gia nhập Mạng lưới này. Từ đó, thành phố sáng tạo đã trở thành một từ khóa được mọi người tìm hiểu, được các địa phương quan tâm và nỗ lực nhiều hơn để vươn tới. Tháng 10/2023, hai thành phố Hội An và Đà Lạt đều cùng được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
"Từ một chiến lược chúng ta đặt ra, cho đến ngày hôm nay đã thực hiện vượt chỉ tiêu khi có 3 thành phố đã được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Điều đó thể hiện sự chuyển động mạnh mẽ hơn của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tính kết nối với khu vực và toàn cầu. Đây là một thành công mang tính đột phá của Việt Nam trong việc phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng thành phố sáng tạo" – PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.
Là một trong những thành phố đi đầu trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với xây dựng thành phố sáng tạo, tại hội thảo quốc tế "Thành phố sáng tạo Hà Nội – Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực" vào tháng 11/2023, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ: Trên chặng đường 4 năm phát triển thương hiệu "Thành phố sáng tạo" sau khi được UNESCO công nhận, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm xung quanh chủ đề thiết kế sáng tạo. Hà Nội cũng là thành phố duy nhất của cả nước xây dựng một nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa, đó là Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có điều khoản riêng về lĩnh vực văn hóa sáng tạo, với việc thành phố sẽ có quy hoạch chung về thiết kế đô thị, phát triển nguồn lực cho xây dựng, phát triển thành phố sáng tạo. Qua đó, đã cho thấy, việc phát triển thành phố sáng tạo nằm trong lộ trình, kế hoạch phát triển bài bản của thành phố Hà Nội.
Từ năm 2019 đến 2023, nhiều hoạt động trình diễn văn hóa sôi nổi, độc đáo của các không gian sáng tạo Hà Nội đã được tổ chức, như không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, không gian bích họa phố Phùng Hưng, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn… được sử dụng thành nơi tổ chức các hoạt động sáng tạo, kết nối cộng đồng, góp phần làm cho người dân thêm yêu thành phố, khơi dậy những năng lượng sáng tạo tích cực, góp phần định hình thương hiệu "Thành phố sáng tạo", thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Qua đó, có thể thấy, các không gian sáng tạo đã giúp xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ, kết nối nghệ sĩ với thị trường người tiêu dùng và thụ hưởng các sản phẩm văn hóa, đồng thời qua đó giúp tạo nên bản sắc văn hóa và sức hấp dẫn cho Thủ đô.
Huy động nguồn lực để phát triển sáng tạo
Nhà sáng lập không gian sáng tạo Zone 9, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho biết: Hà Nội có những không gian trống, bỏ hoang như các nhà máy công nghiệp, hoàn toàn có thể đưa vào khai thác nhờ ý tưởng sáng tạo của đội ngũ thiết kế. Và khi làm điều đó sẽ có rất nhiều ngành nghệ thuật như mỹ thuật, kiến trúc,.. cộng hưởng vào, từ đó sẽ giúp công việc sáng tạo thành công và thương mại hóa được sản phẩm.
Cũng theo ông Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ: "Hiện nay, như chúng ta cũng thấy, những ngành công nghiệp sản xuất hay chế tạo khác đều được quy hoạch và dành cho một quỹ đất để phát triển. Mặc dù đã nhận thức được vai trò của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo có đóng góp vào sự phát triển đất nước nhưng trong quy hoạch, chính sách vẫn chưa có quỹ đất để cho ngành công nghiệp sáng tạo phát triển. Do vậy, khó khăn trong phát triển các không gian sáng tạo đến từ chính quỹ đất dành cho công việc này. Vì vậy, tôi mong rằng, trong thời gian tới, sẽ có những chính sách hỗ trợ, đầu tư, đặc biệt tạo không gian để cho ngành công nghiệp sáng tạo phát triển".
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết: "Hà Nội vẫn còn những quỹ đất có thể chuyển hóa được, có những khu công nghiệp đang "ngủ yên" nên chúng ta phải sử dụng khả năng thiết kế sáng tạo để mang lại sức sống mới cho thành phố. Như chúng ta cũng biết, công nghiệp nặng ra ngoài đô thị, còn trung tâm công nghiệp văn hóa nằm trong đô thị, đối với một thành phố sáng tạo phải hướng đến sự bền vững, không thể xây mới, hay phá vỡ mà phải sử dụng khả năng sáng tạo để thiết kế tạo ra các không gian sáng tạo mới, chuyển đổi công năng, làm cho thành phố xanh sạch đẹp hơn".
"Vì vậy, bản thân tôi mong muốn Nhà nước, cơ quan quản lý cần có những quyết sách ưu tiên tạo ra các không gian cho cộng đồng sáng tạo phát triển được lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Thành phố sáng tạo là một trong những lĩnh vực có thể sử dụng tính thiết kế để tạo nên sự chuyển hóa, tính kết nối liên ngành và xuyên ngành đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Cùng với đó, để những hoạt động sáng tạo có thể bùng nổ, mang tính đột phá hơn thì cần phải có điểm tựa, những nguồn lực đầu tư cho văn hóa, mở rộng quan hệ hợp tác tạo sự phát triển. Đồng thời, không chỉ riêng Hà Nội, mà các thành phố sáng tạo khác đều mong muốn có sự đồng cảm và đồng hành của các nhà nghiên cứu, sáng tạo, giới truyền thống trên con đường phát triển ngành công nghiệp văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo trong tương lai" – PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.