Phát triển công nghiệp văn hóa: Hà Nội cần cơ chế đột phá và đầu tư chiến lược
Theo các chuyên gia, Thành phố Hà Nội cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, ưu đãi chính sách để thúc đẩy phát triển không gian sáng tạo trong các lĩnh vực văn hóa.
Chuyên gia hiến kế phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Ngày 18/4, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo "Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại, văn hóa". Hội thảo do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì.
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Hà Nội là mảnh đất kết tinh và lan tỏa giá trị văn hóa của cả nước.
Vì vậy, hội thảo lần này là dịp để thành phố lắng nghe, tiếp thu các ý kiến từ đại diện các bộ, ngành Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… nhằm hoàn thiện thể chế bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long – Hà Nội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo.
Về triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024, Hà Nội đã và đang xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật, trong đó có nội dung về bảo vệ và phát triển văn hóa.
Dự kiến, HĐND Thành phố sẽ xem xét, thông qua hai dự thảo Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết quy định tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa.
"Hội thảo hôm nay sẽ tập trung thảo luận mô hình tổ chức, cách thức vận hành các trung tâm công nghiệp văn hóa, khu vực phát triển nghề truyền thống, làng nghề, các khu vực có tiềm năng và lợi thế đặc biệt trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Đây là bước đi cần thiết để phát huy thế mạnh, đưa văn hóa trở thành động lực tăng trưởng mới cho Thủ đô", ông Lê Hồng Sơn cho biết.
Lãnh đạo thành phố kỳ vọng, nếu được thông qua, hai nghị quyết sẽ là nền tảng pháp lý vững chắc, góp phần đưa công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng, thúc đẩy Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.
Tại hội thảo, các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân... đã tập trung phân tích các vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát triển văn hóa trên địa bàn Hà Nội.
Nhiều kinh nghiệm quốc tế đến từ các nước như Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... trong việc tổ chức trung tâm công nghiệp văn hóa, khu sáng tạo và phát triển thương mại – văn hóa đã mang đến những gợi ý thiết thực cho Hà Nội.
Kiến trúc sư Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Ile-de-France (IDF) tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX - Vietnam) chia sẻ, ở Pháp, các đơn vị kinh doanh vận tải, giao thông có vai trò rất quan trọng.
Họ thiết kế các tuyến giao thông dành riêng cho các điểm kết nối di sản văn hóa; phát tài liệu cho khách, hướng dẫn du khách đến điểm văn hóa hoặc lễ hội… Hà Nội đang từng bước xây dựng hệ thống giao thông khá thuận lợi, từ đường sắt, các tuyến metro… cũng cần kết hợp để phát triển công nghiệp văn hóa.

Quang cảnh hội thảo.
Chia sẻ góc nhìn từ thực tiễn địa phương, bà Phạm Thanh Hường – Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, Hà Nội đang sở hữu nhiều di sản công nghiệp đô thị có giá trị, từng được hồi sinh nhờ các lễ hội sáng tạo như Bốt Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm… Những không gian này chính là tiềm năng lớn để hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa mang bản sắc riêng.
Theo bà Hường, việc tái sử dụng các nhà máy cũ, di sản công nghiệp bỏ hoang để phát triển công nghiệp văn hóa là giải pháp "hai trong một" vừa tiết kiệm chi phí đầu tư mới, vừa khơi gợi cảm hứng sáng tạo.
Bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng các trung tâm liên kết đa ngành, nơi hội tụ giữa văn hóa, công nghệ, thiết kế, sáng tạo, đồng thời là không gian khuyến khích thử nghiệm, trải nghiệm và đổi mới.
Là người từng tham gia xây dựng nhiều mô hình công nghiệp văn hóa tại Hà Nội, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh đưa ra đề xuất về tiêu chí xây dựng mô hình mới bên cạnh việc tái sử dụng hạ tầng cũ.
Theo ông Thanh, một trung tâm công nghiệp văn hóa cần có quy mô hợp lý, diện tích từ 1–5 ha, có khả năng bố trí 60–80 gian hàng sáng tạo, đồng thời sở hữu không gian sinh hoạt chung thân thiện, tạo sự kết nối chặt chẽ với cộng đồng và người dân địa phương.
Những góp ý, phân tích, đề xuất cụ thể từ các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo được kỳ vọng sẽ giúp Hà Nội xây dựng được mô hình công nghiệp văn hóa hiện đại, sáng tạo, và phù hợp với bản sắc đô thị ngàn năm văn hiến.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng, hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác công - tư hiệu quả
Tại hội thảo, ông Lê Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội đã đề xuất loạt giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển đúng hướng.
Theo ông, thành phố cần khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, trong đó tập trung vào các chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, thuế... để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển các không gian sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực có thế mạnh.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa sáng tạo, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm, đa dạng hóa mô hình hợp tác công - tư và cập nhật quy hoạch theo hướng phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa cũng là những ưu tiên cần được đặt ra.
Từ phía doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa đang rất cần nền tảng tài chính ổn định và hệ thống quản trị chuyên nghiệp. Do đó, thành phố cần sớm có cơ chế hỗ trợ cụ thể, chẳng hạn như thành lập các quỹ đầu tư cho lĩnh vực văn hóa sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cộng đồng và phát triển nội dung sáng tạo đặc thù.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị thành phố quan tâm hơn đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, đóng vai trò đầu mối kết nối các chủ thể trong ngành, đồng thời đề xuất áp dụng mức thuế VAT ưu đãi từ 3–5% đối với doanh nghiệp sáng tạo nhỏ nhằm khuyến khích sự khởi nghiệp và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những định hướng chiến lược của thành phố nhằm biến văn hóa thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, Hà Nội sẽ ưu tiên tái sử dụng các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ… để cải tạo, chuyển đổi công năng thành các không gian văn hóa sáng tạo.
Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cũng cho biết, thành phố đã ban hành Nghị quyết về liên doanh, liên kết, nhượng quyền tạo nền tảng pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình công nghiệp văn hóa.
"Thành phố sẽ thúc đẩy hợp tác công – tư theo hướng 'đầu tư công, quản trị tư', nhằm tận dụng tối đa nguồn lực xã hội hóa và phát huy tính sáng tạo, linh hoạt của khu vực tư nhân", ông Sơn khẳng định.
Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng lưu ý về việc cần xây dựng quy hoạch chuyên ngành hợp lý, tránh tình trạng chồng chéo, manh mún, nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào quá trình phát triển.
Với vai trò định hướng, Hà Nội sẽ chú trọng hỗ trợ các yếu tố then chốt như công nghệ, truyền thông, hợp tác quốc tế và mở rộng thị trường. Việc xây dựng các trung tâm công nghiệp văn hóa cần thực hiện theo lộ trình cụ thể, thận trọng nhưng vững chắc, nhằm tạo ra những giá trị văn hóa bền vững và mang tính lan tỏa cao cho Thủ đô.