Phát triển đi đôi với bảo vệ
Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thời gian qua được tỉnh Cà Mau dành sự quan tâm đặc biệt, xem đây là một trong các giải pháp hiệu quả, nhằm thích ứng biến đổi khí hậu (BÐKH).
Quyết định số 1206/QÐ-UBND ngày 18/6/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau, là một trong những nỗ lực ấy. Bởi, để đảm bảo đủ điều kiện ban hành quyết định, phải trải qua quá trình chuẩn bị, gặp rất nhiều khó khăn và mất thời gian hơn 2 năm.
Ông Bùi Nhật Phương, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư, chia sẻ: "Thời gian đầu triển khai dự án thành lập Khu bảo tồn biển gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhiều lần giãn cách xã hội, cùng tình hình thời tiết trên biển ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khảo sát, đánh giá xây dựng dự án; địa điểm khảo sát tại 3 cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và hòn Ðá Bạc, cách xa đất liền và khoảng cách giữa các cụm đảo xa nhau nên khó khăn trong di chuyển, bố trí lực lượng làm nhiệm vụ. Một số quy định của pháp luật về Khu bảo tồn biển hiện nay chưa thực sự rõ ràng... Do đó, hơn 2 năm sau khi thẩm định dự án, UBND tỉnh đã phê duyệt thành lập Khu bảo tồn biển tỉnh".
Khu bảo tồn biển Cà Mau có phạm vi bao gồm vùng biển xung quanh các cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và hòn Ðá Bạc, với tổng diện tích 27.000 ha. Trước mắt, Chi cục Kiểm ngư được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức quản lý Khu bảo tồn biển tỉnh, đến khi đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu khai thác dịch vụ và dự kiến nguồn thu đảm bảo tự cân đối, sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn biển theo quy định.
Việc thành lập, quản lý Khu bảo tồn biển tỉnh nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các loài động, thực vật hoang dã, các loài thủy sinh vật biển, loài bản địa, đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, loài có giá trị kinh tế... Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên...; phát triển du lịch sinh thái, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân địa phương, góp phần quan trọng làm giảm tác động của BÐKH.
Không chỉ vậy, theo ông Phương, hằng năm, tỉnh còn tổ chức thả các giống loài thủy sản vào các thủy vực tự nhiên để tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản; tăng cường tuần tra, kiểm tra và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học tại các vùng biển trên địa bàn tỉnh. Hình thành các khu cư trú nhân tạo tại các vùng biển cho các loài thủy sản sinh sống và sinh sản, nhằm định hướng khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường biển theo hướng bền vững, đa dạng hệ sinh thái.
Ông Phương cho biết thêm, để việc quản lý Khu bảo tồn biển tỉnh đạt hiệu quả như kỳ vọng, trước mắt khẩn trương xây dựng và trình cấp thẩm quyền ban hành Quy chế hoạt động, quản lý và phát triển bền vững Khu bảo tồn biển, đảm bảo có khung pháp lý đầy đủ, khả thi. Ðồng thời, xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án đi kèm như: thành lập ban quản lý; đề án thu phí, lệ phí; đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau.
“Ðặc biệt, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức cho cộng đồng trong khu bảo tồn và khách du lịch về tầm quan trọng, giá trị các nguồn tài nguyên sinh vật biển, nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên trong Khu bảo tồn biển”, ông Phương nhấn mạnh.
Thực hiện Quyết định số 149/QÐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 17/11/2022 về hành động đa dạng sinh học tỉnh Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án điều tra, đánh giá các vùng đất ngập nước trên địa bàn.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động của BÐKH, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác trồng rừng, phục hồi phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ hoạt động sử dụng đất rừng, các đơn vị chủ rừng còn tăng cường tuần tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng.
Từ đó, hiện nay, diện tích rừng tập trung của tỉnh đạt 93.060 ha, với tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 26,2%. Kết quả này góp phần quan trọng làm giảm phát thải khí nhà kính, làm chậm quá trình cũng như cường độ ảnh hưởng của BÐKH.
Một trong những nỗ lực bảo vệ môi trường tự nhiên mà tỉnh đang triển khai mang lại hiệu quả cao, tạo được sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng là ngăn chặn các hoạt động khai thác có tính hủy diệt thông qua thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị 10 của UBND tỉnh. Ngoài ra, hoạt động thúc đẩy các mô hình khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, trồng rừng và sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp... cũng đang được triển khai nhân rộng, nhất là khu vực rừng ngập mặn.
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BÐKH luôn có mối quan hệ, tác động qua lại, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu mà tỉnh đang hướng tới, đó là phát triển kinh tế - xã hội nhanh nhưng phải bền vững. BÐKH cùng với tình trạng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển. Do đó, phát triển kinh tế đi đôi với khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ tài nguyên rừng, biển, đất, nước..., bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự phát triển bền vững./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phat-trien-di-doi-voi-bao-ve-a36925.html