Phát triển điện khí LNG: Cần sớm tháo gỡ vướng mắc để phát huy hiệu quả

Vào 8 giờ 30, 22/11 tại Hà Nội, Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì, phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức 'Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam' với chủ đề: 'Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng'. Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương), các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Viện Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… các chuyên gia kinh tế hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đại diện các trường đại học và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.

Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển thị trường khí Việt Nam”với Chủ đề: “Phát triển Điện khí LNG – Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng”.

Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển thị trường khí Việt Nam”với Chủ đề: “Phát triển Điện khí LNG – Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP nhấn mạnh, phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện 8 để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống. Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện khí hóa lỏng là 22.400 MW chiếm 14,9%). Trong khi đó, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.

Tuy nhiên, Việt Nam không chủ động được nguồn cấp khí hóa lỏng, hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và thường chiếm tỷ lệ từ 70-80% giá thành, việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu mà không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án điện khí vẫn đang gặp nhiều khó khăn như: vướng mắc trong đàm phán giá điện do bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá mua đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân bán ra; chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí hóa lỏng; khung pháp lý cho các dự án khí hóa lỏng chưa hoàn thiện; khó thu xếp vốn cho dự án khí hóa lỏng…

Theo Tổng Biên tập Báo SGGP, trong khi đó, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm nữa để các dự án khí hóa lỏng triển khai và đi vào vận hành. Nếu chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

 Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu khai mạc diễn đàn.

Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu khai mạc diễn đàn.

Nội dung của hội thảo gồm 2 phần. Phiên 1, các chuyên gia sẽ trình bày tham luận về các vấn đề như cơ hội và thách thức của điện khí LNG Việt Nam; Tiềm năng và dự báo xu thế điện khí cũng như khí LNG tại Việt Nam; Tầm nhìn mới về điện khí LNG cho phát triển năng lượng tại Quy hoạch điện VIII… Ở phiên 2, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ thảo luận, phân tích, và đề xuất kiến nghị về những vấn đề nóng cùng những giải pháp quan trọng về điện khí LNG.

Trong khuôn khổ “Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề: “Phát triển điện khí hóa lỏng - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng” ghi nhận rất nhiều những ý kiến từ các chuyên gia, cơ quan quản lý để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bế tắc, góp phần hoàn thiện chính sách, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án điện khí hóa lỏng trong nước, tạo môi trường đầu tư ổn định và thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng khí hóa lỏng.

PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phat-trien-dien-khi-lng-can-som-thao-go-vuong-mac-de-phat-huy-hieu-qua-10267344.html