Phát triển đô thị thân thiện môi trường

Thủ đô Hà Nội hiện quá tải về hạ tầng đô thị do gia tăng dân số, đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh khiến môi trường Thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy, chính quyền về phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường.

Vẫn còn những “khoảng trống”

Theo thống kê, tổng dân số Hà Nội hiện nay đạt hơn 8 triệu người. Mật độ dân số của thành phố Hà Nội là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước. Điều này tạo áp lực ngày càng lớn về các hạ tầng giao thông, kỹ thuật, bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh tác động tiêu cực đến môi trường tại Hà Nội.

Ô nhiễm môi trường do tăng lượng chất thải sinh hoạt, theo kết quả thống kê, việc gom rác ở Hà Nội chưa đạt hiệu quả triệt để, vẫn còn khoảng 15% lượng rác thải không được thu gom, xử lý mà vứt tại các kênh, rạch hay các khu đất trống trong địa bàn Thành phố. Hiện nay, tỉ lệ này đang có xu hướng tăng cao, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn, trong đó có 10-15% không được thu gom, lượng rác thải này đủ để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy rác thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nan giải đối với những nhà quản lý đô thị tại Hà Nội.

Mật độ dân số cao tạo áp lực ngày càng lớn về các hạ tầng giao thông. Ảnh:Đ.Luyện

Mật độ dân số cao tạo áp lực ngày càng lớn về các hạ tầng giao thông. Ảnh:Đ.Luyện

Các cơ quan có thẩm quyền tại Hà Nội đã đề ra những phương án để xử lý chất thải rắn bằng phương pháp phân loại rác thải rắn tại nguồn. Tuy nhiên, do yếu tố nguồn lực và nhân lực còn hạn chế, chương trình này vẫn chưa thể triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn Thành phố.

Hà Nội đối mặt với ô nhiễm môi trường do lượng nước thải sinh hoạt. Tổng lượng nước thải hàng ngày của Thành phố vào khoảng 320.000m3 trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Trên thực tế, đã có những con sông ở Hà Nội đã trở thành dòng sông chết do bị ô nhiễm quá nghiêm trọng, như sông Tô Lịch… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của những người dân khu vực đó. Hà Nội vẫn luôn trong top những thành phố có độ ô nhiễm môi trường không khí cao nhất thế giới. Hà Nội hiện nay có chất lượng môi trường đất bị ô nhiễm ngày càng gia tăng.

Để ngăn chặn, giảm nguồn phát sinh ô nhiễm, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường như Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”... đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, từ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến xác định cụ thể các “điểm đen”, khu vực ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm và kiểm soát các nguồn xả thải...

Tính từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý môi trường đã xử phạt trên 6.000 cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hơn 53.000 công trình gây ô nhiễm môi trường với số tiền gần 100 tỷ đồng...

Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên ngành tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường dọc sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu... thường xuyên vận hành các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu; nhà máy xử lý nước thải Yên Sở bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Từ việc phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan nên công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là: Tỉ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế đạt gần 100%; cơ bản xử lý xong ô nhiễm nguồn nước tại các hồ trong nội thành; hoàn thành đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm.

Đặc biệt, Hà Nội đã xóa được 96,23% lượng bếp than tổ ong; giảm từ 70-90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch; 4 huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, sử dụng chế phẩm nhằm tái sử dụng rơm rạ...

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Trước thực trạng trên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Phi - Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế về lĩnh vực bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô giai đoạn tiếp theo.

Đóng góp vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo Tiến sĩ Phi với mục tiêu tạo chuyển biển rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững, các giải pháp bảo vệ môi trường và giảm phát thải, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch…

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, hiện tại Thành phố có hơn 770.000 xe ô tô, gần 5,8 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua, trong đó có nhiều phương tiện cũ không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố. Do vậy, hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố cần được hoàn thiện một cách đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn của Thủ đô.

Về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án xử lý chất thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Xây dựng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, phát triển tỉ lệ xanh trong xây dựng đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô nên định hướng vùng phát thải thấp cho Thủ đô và vùng Thủ đô. Về vấn đề phát triển và quản lý hạ tầng giao thông cần hướng đến việc xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông; hỗ trợ cơ sở sản xuất trong khu dân cư, làng nghề khi thực hiện chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời ra khỏi khu dân cư, làng nghề; các yêu cầu riêng về bảo vệ môi trường làng nghề, làng nghề du lịch…

Song song với đó, Hà Nội cần thay đổi nhận thức chung của người dân Thủ đô về phát triển, qua đó, không chỉ đòi hỏi phát triển mà cần và chỉ cần phát triển bền vững; cần tính đến việc tăng nặng hình phạt đối với người cấp phép không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường thân thiện; cần có các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, ít sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; các hoạt động xử lý, tái chế sử dụng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp…

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-trien-do-thi-than-thien-moi-truong-159730.html