Phát triển đồng bằng sông Hồng theo 4 vùng động lực, 2 tiểu vùng kinh tế, 8 ngành chủ yếu
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh/ thành phố sẽ được tổ chức không gian phát triển với 4 hành lang kinh tế; 4 vùng động lực, đô thị và cực tăng trưởng; 2 tiểu vùng kinh tế; 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu…
Ngày 20-7, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Trước đó vào ngày 11-7-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 826/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Thường trực. Các Phó Chủ tịch gồm Bộ trưởng các bộ: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Thông tin và Truyền thông.
Hội đồng được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, cả nước nói chung thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.
Với vị trí và vai trò là Thủ đô, là hạt nhân, là trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đưa ra một số đề xuất để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.
Cụ thể, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng. Đối với Thủ đô Hà Nội, trước mắt là việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đúng kế hoạch.
Cùng đó, tăng cường hợp tác, liên kết toàn diện, thực tế và hiệu quả để xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành trung tâm kinh tế chất lượng cao, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành.
Ngoài ra, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, chú trọng hạ tầng giao thông vận tải, thúc đẩy các hoạt động liên kết, phát triển của vùng bằng các tuyến đường bộ, đường sắt liên vùng.
Đặc biệt, cần đầu tư hoàn thiện các tuyến đường quốc lộ, đường vành đai, hệ thống đường kết nối theo quy hoạch và phù hợp với kiến trúc, cảnh quan; phấn đấu hoàn thành xây dựng dự án Đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trước năm 2027; nghiên cứu chuẩn bị đầu tư đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt tốc độ cao Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân...
Cũng tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trình bày tham luận với chủ đề “Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; các chính sách đặc thù vượt trội gắn với xây dựng Luật Thủ đô để thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”.
Hội nghị cũng đã nghe tham luận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng…
Các tham luận đều khẳng định quyết tâm và ý thức trách nhiệm trong phối hợp hành động giữa các bộ và các địa phương; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường liên kết vùng, phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng với 3 nhóm định hướng lớn theo gợi ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể gồm: Tổ chức không gian phát triển Vùng gắn với 4 hành lang kinh tế, 4 vùng động lực, đô thị và cực tăng trưởng, 2 tiểu vùng kinh tế; Phát triển 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu; Phát triển kết cấu hạ tầng Vùng, với trọng tâm là phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông kết nối liên vùng…