Phát triển du lịch Hồ Tây theo hướng bền vững, nâng tầm giá trị

Hồ Tây với diện tích hơn 500ha, từ xưa đã là một danh thắng nổi tiếng đất Kinh kỳ, hiện nay, Hồ Tây là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch. Để phát triển bền vững các giá trị du lịch tại Hồ Tây, các chuyên gia cho rằng cần ưu tiên phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, đi theo hướng phát triển bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học.

Ngày 7/8, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức Hội thảo “Đánh giá tiềm năng phát triển bền vững du lịch Hồ Tây” nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học để nghiên cứu thực hiện Đề án phát triển du lịch Hồ Tây theo hướng bền vững.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Tây Hồ là một quận nằm trong Tiểu vùng đô thị lõi, có tích tự nhiên hơn 2.400ha, dân số hơn 166,5 nghìn người. Quận Tây Hồ có hơn 70 di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn của Kinh thành Thăng Long xưa, trong đó hơn một nữa di tích đã được xếp hạng. Đặc biệt trong quận có Hồ Tây, với diện tích hơn 500ha, từ xưa đã là một danh thắng nổi tiếng đất Kinh kỳ. Hiện nay, Hồ Tây là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch hấp dẫn và khu vực có mật độ cư trú của người nước ngoài cao nhất so với các khu vực khác của thành phố Hà Nội.

Phát triển du lịch Hồ Tây và vùng phụ cận là một trong những hoạt động quan trọng của phát triển Hà Nội trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với vị thế mới, tầm vóc mới, Hồ Tây là điểm nhấn du lịch Thủ đô bên cạnh du lịch phố cổ và du lịch sông Hồng.

Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã có những thảo luận, chia sẻ nhằm làm rõ hơn tiềm năng, cơ hội, thách thức cùng những giải pháp để phát triển bền vững du lịch Hồ Tây.

Hồ Tây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bền vững.

Hồ Tây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bền vững.

PGS. TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sự phát triển kinh tế - xã hội của quận Tây Hồ đang đứng trước một vận hội mới, vô cùng thuận lợi, trong đó lĩnh vực dịch vụ là nền tảng và ngành du lịch xanh, kết nối truyền thống văn hóa với hiện đại là trụ cột và là động lực kinh tế chính của vùng đất này. Trước mắt, việc bố trí không gian, phát triển hạ tầng và chuẩn bị nhân lực cũng như từng bước hình thành tổ chức kinh doanh du lịch hướng theo những chuẩn mực quốc tế sẽ là cơ sở đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Làm rõ hơn về không gian lịch sử - văn hóa Hồ Tây, tâm điểm của quy hoạch xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, TS Lê Thị Thu Hương - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, không gian lịch sử, văn hóa Hồ Tây nơi chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, như một pho sử sống minh chứng cho một thời kì dựng nước và giữ nước trên vùng đất Thăng Long từ thời tiền sử đến sau này. Trong quá trình xây dựng và mở rộng kinh đô, các triều đại phong kiến đều quan tâm đến việc lấy Hồ Tây làm tâm điểm để phát triển kinh tế, phát triển văn hóa.

Trong quy hoạch mới của thành phố Hà Nội ngày nay cũng đã coi trọng Hồ Tây và các vùng phụ cận, xây dựng các trục không gian văn hóa mang tính tiêu biểu như Hồ Tây - Ba Vì; Hồ Tây - Cổ Loa nhằm kết nối lịch sử và khai thác các giá trị của không gian lịch sử văn hóa Hồ Tây và các vùng phụ cận.

Hiện nay Hồ Tây và vùng phụ cận chưa được khai thác hết tiềm năng vốn có. Thành phố Hà Nội và quận Tây Hồ đã đưa vào hàng loạt các hoạt động như: Thực hiện Đề án “tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực quận Tây Hồ” giai đoạn 2; “Điểm thông tin du lịch, văn hóa quận Tây Hồ”… Các hoạt động đã bước đầu tạo ra điểm nhấn thu hút du khách với Hồ Tây nhưng chưa thực sự tạo ra bước đột phá.

TS Lê Thị Thu Hương - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo.

TS Lê Thị Thu Hương - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo.

Để phát triển và xây dựng Hồ Tây thành tâm điểm trong quy hoạch, theo TS Lê Thị Thu Hương cần phải hiểu được lịch sử, văn hóa của khu vực này. Các giá trị về lịch sử, văn hóa là chất liệu quan trọng để thực hiện các công đoạn tiếp theo (du lịch, công nghiệp văn hóa...). Vì vậy cần làm từ gốc là khôi phục, bảo tồn và phục dựng các di tích lịch sử văn hóa ven Hồ Tây và vùng phụ cận; bảo tồn, phát triển các lễ hội truyền thống; các làng nghề truyền thống; xây dựng các không gian văn hóa…

“Đây là việc làm hết sức cần thiết để có cơ sở khoa học quy hoạch Hồ Tây trở thành tâm điểm trong quy hoach và xây dựng Hà Nội xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Để làm được điều này cần chiến lược và các giải pháp đồng bộ, huy động nguồn lực và sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là người dân địa phương vùng ven Hồ Tây, người dân quận Tây Hồ - chủ nhân trực tiếp của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong không gian lịch sử văn hóa Hồ Tây”, TS Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, PGS. TS Nguyễn Ngọc Sơn - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, quận Tây Hồ có tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm. Kinh tế ban đêm đã được hình thành trên địa bàn quận Tây Hồ từ nhiều năm nay với các mô hình như: Tổ chức thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh đến 2 giờ sáng; mô hình không gian đi bộ; mô hình không gian ẩm thực đêm; mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

Nhờ việc phát triển kinh tế ban đêm mà thời gian qua ngành du lịch quận Tây Hồ đã có những đóng góp tích cực vào GRDP của thành phố Hà Nội. Quận Tây Hồ đã dần hình thành các điểm đến đặc trưng của kinh tế đêm như phố Trịnh Công Sơn; Nguyễn Đình Thi; Tô Ngọc Vân… Các khu vực đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc tăng chất lượng và sự đa dạng của ngành du lịch Hà Nội, tạo tiền đề để Thành phố thí điểm các điểm kinh tế đêm có quy mô lớn và phong phú về thể loại…

Bên cạnh những hiệu quả tích cực, theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Sơn, việc phát triển kinh tế ban đêm cũng sẽ phát sinh những tiêu cực, đặc biệt là các vấn đề an ninh trật tự, chính vì vậy cần phải có những giải pháp đồng bộ nhằm phát triển, khai thác tốt những tiềm năng to lớn của quận, giảm thiểu những tiêu cực của kinh tế ban đêm.

PGS.TS Lê Thu Hoa - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ tại Hội thảo.

PGS.TS Lê Thu Hoa - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ tại Hội thảo.

Bên cạnh việc phát huy giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của Hồ Tây, các chuyên gia cho rằng, yếu tố đảm bảo môi trường bền vững đóng vai trò quan trọng. PGS.TS Lê Thu Hoa - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, những giá trị văn hóa, cảnh quan, thiên nhiên Hồ Tây đặc biệt là dịch vụ du lịch qua nhiều năm khai thác có thay đổi nhưng thay đổi không nhiều, vẫn mang tính truyền thống. Quận nên định hướng phát triển mạnh thu hút du lịch quốc tế. Quận Tây Hồ có nhiều làng nghề xung quanh Hồ Tây, quận đã và đang triển khai các đề án phát triển làng nghề, theo đó nên ưu tiên phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, đi theo hướng phát triển bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, do đó cần nghiên cứu loại hình kinh tế, quy mô, mật độ hoạt động của các loại hình trong các làng nghề.

Quận Tây Hồ phải hướng tới có những sản phẩm du lịch mới để khách đến có thể có những sản phẩm lưu niệm đặc thù của quận. Bên cạnh xác định các loại hình kinh tế thân thiện môi trường, quận cần có những quy định chặt chẽ hơn về những quy định nước thải, khí thải, cần quản lý chặt chẽ giảm thải nước thải, rác thải ngay tại nguồn thay vì xử lý thu gom rác thải; cần có những cơ chế, giám sát, xử lý vi phạm tại cộng đồng…

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của chuyên gia và nhà khoa học.

Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ phát triển du lịch Hồ Tây cần gắn với câu chuyện làm thế nào để Hồ Tây phát triển xứng tầm với tiềm năng, làm sao để có sự hài hòa giữa không gian sống của người dân Tây Hồ với việc đón khách du lịch trong nước, quốc tế, để du khách cảm nhận được không gian sống, sự thân thiện của người Tây Hồ qua đó góp phần quảng bá Thủ đô Hà Nội xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-trien-du-lich-ho-tay-theo-huong-ben-vung-nang-tam-gia-tri-174862.html