Phát triển du lịch nông thôn: Còn nhiều việc phải làm
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Dù vậy, để lĩnh vực này thực sự trở thành động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới bền vững, vẫn còn nhiều việc cần làm.
584 mô hình hoạt động ổn định
Để thúc đẩy Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở Quyết định số 922/QĐ-TTg, Bộ NN&PTNT đã chủ động tổ chức Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trình cấp thẩm quyền ban hành kế hoạch hoạt động cụ thể; văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình; tài liệu và tổ chức tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới…
Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt danh sách mô hình du lịch điểm ở 20 tỉnh, thành để các địa phương thực hiện; tổng hợp các mô hình tiêu biểu nhằm giới thiệu, nhân rộng trên cả nước. Bên cạnh đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đã có những tiêu chí dành cho các khu du lịch nông nghiệp hay những chương trình thúc đẩy du lịch qua trải nghiệm các sản phẩm OCOP…
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư Ngô Trường Sơn cho biết, qua 3 năm triển khai, đến nay, các tỉnh thành trên cả nước đã xây dựng được 584 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề cũng đã được tích hợp trong các kế hoạch của Bộ NN&PTNT triển khai các Chương trình, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong số này có Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thông tin thêm về tình hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Lê Phúc đánh giá, các địa phương đang khai thác đa dạng tài nguyên du lịch gắn với giá trị nông nghiệp đặc sắc, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo gắn với văn hóa truyền thống, đặc sản địa phương, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội và làng nghề.
“Du lịch nông nghiệp kết hợp với du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái và làng nghề đặc biệt phát triển mạnh ở miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Một số làng du lịch đã đạt tiêu chí OCOP và tiêu chuẩn ASEAN, thậm chí nhận giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới của UN Tourism…” - ông Nguyễn Lê Phúc nói thêm.
Đại diện Bộ VH,TT&DL cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, phát triển du lịch, nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được bộ hết sức chú trọng. Hiện bộ này đã hoàn thiện Quy hoạch du lịch quốc gia, trong đó có nội dung về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, bộ thúc đẩy hình thành các điểm đến, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn cho DN lữ hành; hướng dẫn thực hiện công nhận khu điểm du lịch nông thôn, công nhận cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch...
Mở ra những miền giá trị mới
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách.
“Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút, trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn nhờ làm du lịch…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.
Tư lệnh ngành NN&PTNT cũng cho rằng, hiện nay, dù đã có một số nghị quyết, chính sách được ban hành, nhưng Bộ NN&PTNT và Bộ VHTT&DL vẫn cần ngồi với nhau để “viết lại câu chuyện du lịch nông thôn”, xây dựng một phiên bản mới dựa trên nền tảng đã có của tri thức bản địa. Từ đó xây dựng lên những sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn mới.
“Giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn là giá trị tích hợp, trong đó bao gồm hàm lượng văn hóa, tri thức bản địa được chủ thể là con người bản địa chăm chút và đưa vào sản phẩm nông nghiệp du lịch. Cùng với Bộ VHTT&DL, chúng tôi kỳ vọng có thể mở ra những miền giá trị mới, không gian giá trị mới cho nông thôn, mang lại lợi ích cho cộng đồng từ du lịch nông nghiệp, nông thôn…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Đánh giá du lịch nông nghiệp, nông thôn đang phát triển và có dư địa tốt nếu biết cách khai thác, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đồng thời cho rằng, cần làm rõ hơn vai trò của chủ thể và cộng đồng trong việc làm du lịch. Điều này giúp nâng cao đời sống nông dân, mở rộng giao lưu và tạo ra sinh kế mới, thúc đẩy sự vận động và giao lưu bạn bè quốc tế cho khu vực nông thôn.
“Sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt đầu từ chiều sâu văn hóa, dựa trên văn hóa bản địa, văn hóa cộng đồng làng xã và thành tựu nông nghiệp, nông thôn. Người nông dân chân chất, lam lũ, tận dụng tiềm năng và thế mạnh của vùng đất mình, đã biến điều đó thành sức mạnh của du lịch. Nhiệm vụ của người quản lý là tổng kết và nêu bật sự khác biệt cũng như tính nổi trội của du lịch nông nghiệp…” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cần làm rõ hơn vai trò của chủ thể và cộng đồng trong việc làm du lịch. Điều này giúp nâng cao đời sống nông dân, mở rộng giao lưu và tạo ra nghề nghiệp mới, thúc đẩy sự vận động và giao lưu bạn bè quốc tế cho khu vực nông thôn.
“Chúng ta cần những giải pháp trong thời gian tới, mà trước hết là nhận thức sâu về vai trò kiến tạo, hướng dẫn và dẫn dắt của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình phát triển, sự liên doanh - liên kết giữa Chính phủ và DN là cần thiết để tạo ra các sản phẩm cộng đồng. Xác định rõ vai trò của chủ thể và cộng đồng sẽ giúp xây dựng được những giải pháp chính sách phù hợp để du lịch nông nghiệp, nông thôn không phát triển nhỏ lẻ, manh mún, thiếu hiệu quả và kém bền vững…” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khuyến nghị.
Đầu tháng 6/2024 vừa qua, Bộ NN&PTNT và Bộ VHTT&DL đã ký kết Chương trình phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030. Đôi bên kỳ vọng chương trình sẽ phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai ngành, nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị.
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư Ngô Trường Sơn cho biết, hiện đơn vị đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp giữa hai bộ, tiến tới sẽ phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai những công việc cụ thể để từng bước nâng cao và tích hợp giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn, góp phần hình thành những miền quê hạnh phúc trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-du-lich-nong-thon-con-nhieu-viec-phai-lam.html