Phát triển du lịch sinh thái rừng bền vững

Ðể khai thác giá trị đa dụng từ rừng, nhiều địa phương đã phát triển hiệu quả du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa, góp phần tuyên truyền, giáo dục bảo tồn và phát triển bền vững môi trường rừng. Ðây là mô hình du lịch trải nghiệm có trách nhiệm với môi trường mang lại những giá trị tích cực đối với kinh tế, cộng đồng và xã hội.

Du khách tham quan rừng tràm tại Ðồng Tháp Mười (Long An). (Ảnh NGUYỄN CÔNG TOẠI)

Du khách tham quan rừng tràm tại Ðồng Tháp Mười (Long An). (Ảnh NGUYỄN CÔNG TOẠI)

Khác với các loại hình du lịch khác, du lịch trong rừng giúp du khách trải nghiệm và khám phá thiên nhiên một cách trực tiếp. Các hoạt động phổ biến trong loại hình du lịch sinh thái này như: Ði bộ đường dài, leo núi, đạp xe, chèo thuyền kayak, tham quan hang động, cắm trại,... Qua đó, khách tham quan, du lịch có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng bầu không khí trong lành, có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng và giữ gìn môi trường thiên nhiên thông qua trải nghiệm của bản thân và tuyên truyền trong cộng đồng xã hội.

Loại hình dịch vụ hấp dẫn

Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) với diện tích gần 10.000 ha, sở hữu thắng cảnh đẹp sơn thủy hữu tình với hồ Ba Bể, Thác Ðầu Ðắng, Ao Tiên, Ðộng Puông, Ðộng Hua Mạ, Hang Thẳm Kít… thu hút mỗi năm hàng nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch.

Trong khi đó, Vườn quốc gia Ba Vì với Suối Ngà, Suối Yến, các di tích lịch sử, tâm linh phong phú, khí hậu ôn hòa, thảm động thực vật phong phú cũng đang trở thành điểm du lịch khám phá hấp dẫn, nhất là du lịch trải nghiệm của giới trẻ.

Tại Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã xây dựng nhiều điểm tổ chức du lịch sinh thái dựa vào rừng, tạo việc làm cho khoảng 200-300 lao động địa phương mỗi năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Ðệ cho biết, những năm gần đây, huyện Con Cuông (một trong ba huyện có Vườn quốc gia Pù Mát nằm trên địa bàn) đã trở thành điểm đến của khách du lịch cả nước. Bên cạnh các thắng cảnh thu hút đông du khách như đập Phà Lài, khe nước Mọc, thác Kèm…, Con Cuông hấp dẫn bởi nét văn hóa đặc sắc, du lịch cộng đồng, chợ phiên Mường Quạ, Mường Chon.

Con Cuông là một trong những huyện đi đầu trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Nghệ An. Theo đánh giá của các chuyên gia, Vườn quốc gia Pù Mát là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An do UNESCO công nhận năm 2007; nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ gắn với đời sống, sinh hoạt độc đáo của người dân tộc Ðan Lai ngày càng có sức thu hút mạnh mẽ về loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Với diện tích gần 17.000 ha cùng quần thể du lịch phong phú, mỗi năm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa) thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, du lịch trải nghiệm. Ðể phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quản lý rừng bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, khu bảo tồn sẽ đón khoảng 27.000 lượt khách (khách quốc tế chiếm 35%, khách nội địa 65%) với doanh thu đạt hơn 33 tỷ đồng.

Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, các thành tựu nghiên cứu khoa học lâm nghiệp, kết quả công tác cứu hộ bảo tồn, giá trị văn hóa cộng đồng bản địa và đội ngũ nhân sự không ngừng được nâng cao trình độ và kỹ năng, Vườn quốc gia Cúc Phương đã xây dựng “hệ sinh thái” du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm. Cúc Phương đã và đang là điểm đến hàng đầu của học sinh, sinh viên, các nhà khoa học và du khách trong nước, quốc tế.

Hiện nay, Vườn quốc gia Cúc Phương có tuyến du lịch xuyên rừng ngủ bản Mường tại bản Khanh, Ân Nghĩa, Hòa Bình thu hút nhiều du khách và trở thành điểm đến thường xuyên. Tại đây, khách du lịch được trải nghiệm, tìm hiểu đời sống, văn hóa, tri thức bản địa của cộng đồng, đi bộ, tắm và chèo mảng trên sông, hoạt động giao lưu văn nghệ buổi tối, tham gia các lễ hội... Hoạt động du lịch cộng đồng đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng; nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng, xác định rõ hơn vai trò của người dân trong hoạt động của Vườn; giúp cộng đồng giữ gìn được một số nét văn hóa và một số nghề truyền thống; nâng cao dân trí thông qua việc giao tiếp với khách du lịch.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế rừng đi đôi với quản lý, bảo vệ rừng bền vững, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan… đã và đang làm tốt các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm trong rừng. Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thu nhập từ dịch vụ du lịch rừng của các vườn quốc gia đạt khoảng hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm, mang lại nguồn thu đáng kể cho công tác tái đầu tư bảo vệ quản lý rừng và nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng. Nhiều vườn quốc gia như: Cúc Phương, Phú Quốc, Cát Tiên, Núi Chúa, Cát Bà, Ba Bể, Yok Don, Côn Ðảo, Pù Mát… đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.

Nâng cao hiệu quả khai thác du lịch

Cùng với Luật Lâm nghiệp 2017 (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Khoản 1 Ðiều 248 Luật Ðất đai 2024) quy định về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, đến nay đã có nhiều quy định mới về quản lý, phát triển rừng phù hợp với việc phát huy giá trị đa dụng của rừng, trong đó có loại hình kinh doanh du lịch sinh thái rừng. Các đơn vị chức năng đã thực hiện công tác quản lý rừng bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân địa phương; tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật… đã tạo ra những giá trị liên kết mới từ rừng, thu hút du lịch phát triển.

Ðáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa triển khai “sáng kiến hộ chiếu vườn quốc gia” với mục tiêu tạo cơ chế thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; tạo động lực cho du khách trải nghiệm và khám phá các giá trị của hệ sinh thái rừng; từng bước hình thành cơ chế tài chính bền vững và tạo đà cho các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên có cơ sở hạ tầng du lịch có lượt du khách đến tham quan, đồng thời thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến các giá trị bền vững của hệ sinh thái.

Trong giai đoạn đầu, Bộ sẽ triển khai “hộ chiếu vườn quốc gia” tại 34 vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng có hoạt động du lịch. Khách du lịch trong nước và quốc tế có thể sở hữu “hộ chiếu” bằng hình thức bản giấy hoặc hộ chiếu điện tử.

Cục trưởng Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, với “hộ chiếu vườn quốc gia”, các đơn vị sẽ quảng bá hoạt động du lịch trong rừng mang tính trải nghiệm cao rộng rãi thông qua tải ứng dụng, “hộ chiếu” và chia sẻ trên các kênh truyền thông của chương trình. Dựa vào “hộ chiếu” du lịch, các ban quản lý rừng, cơ sở du lịch và địa phương sẽ làm tăng số lượng khách đến tham quan, trải nghiệm; đẩy mạnh các địa điểm và loại hình trải nghiệm để khuyến khích du khách tích điểm; thúc đẩy việc hoàn thiện và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Mặc dù đã có cơ chế, chính sách thông thoáng, nhưng việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái hiện chưa cao, tính liên kết, thống nhất còn thấp, thậm chí nhiều nơi còn phát triển theo hướng tự phát, manh mún. Nguyên nhân chính là do các địa phương chưa xác định phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Du lịch dựa vào rừng mang đặc thù: Khai thác tiềm năng mà không phá hoại, sử dụng không gian mà không ảnh hưởng môi trường, đi chơi, trải nghiệm để hiểu biết nhằm tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng chung tay giữ rừng, bảo vệ môi trường rừng. Do đó, ngoài sự liên kết chặt chẽ, các địa phương cần chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa tích cực nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam Nguyễn Văn Thái, để phát triển hiệu quả loại hình du lịch trải nghiệm cần nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm gắn liền với công tác bảo tồn động vật hoang dã. Ðơn giản như việc thông qua học sinh trong các nhà trường có thể chuyển tải thông điệp “không ăn, không săn bắt, không sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc trực tiếp từ tự nhiên”.

Mặt khác, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cần điều chỉnh và thống nhất chương trình, bảng giá dịch vụ, quy định thực hiện; xây dựng đội ngũ hướng dẫn bảo đảm để thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm; thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng trẻ từ các thành phố, khu vực khác... Du lịch sinh thái rừng là loại hình du lịch có trách nhiệm đối với môi trường thiên nhiên, rất tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích, vì vậy, Nhà nước cần có định hướng phát triển đúng đắn và phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến rừng và môi trường thiên nhiên nhằm gia tăng lợi ích của môi trường thiên nhiên đối với cuộc sống của con người…

Ngày 29/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 208/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đặt mục tiêu phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững; phấn đấu nguồn thu từ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tăng 50% so với năm 2020 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050.

VŨ THÀNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-du-lich-sinh-thai-rung-ben-vung-post860923.html