Hòa Bình: triển khai nhiều hoạt động thực hiện mục tiêu phát triển du lịch 2025
Để thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển du lịch năm 2025 và những năm tiếp theo, Hòa Bình dành nguồn lực ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của địa phương…
Trong những ngày đầu năm, nhiều người dân lựa chọn huyện Cao Phong (Hòa Bình) là điểm đến cho hành trình du Xuân. Thống kê năm 2024, huyện Cao Phong đón khoảng 457.000 lượt khách du lịch, tăng 13,7% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế 5.430 lượt, khách nội địa 451.570 lượt. Doanh thu từ du lịch của huyện đạt trên 240 tỷ đồng. Trong tháng 1 và 2/2025, dịp Tết Ất Tỵ, toàn huyện thu hút 85.000 lượt khách (khách quốc tế 950 lượt, khách nội địa 84.050 lượt), doanh thu ước đạt 51 tỷ đồng.

Hòa Bình triển khai nhiều hoạt động thực hiện mục tiêu phát triển du lịch 2025.
Ông Phạm Ngọc Nhất, Trưởng phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin huyện Cao Phong cho biết, để thúc đẩy phát triển ngành du lịch của huyện, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương làm tốt công tác quản lý Nhà nước về du lịch.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền về định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và của huyện; ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản, kế hoạch để chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ về phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Những ngày đầu Xuân, nhiều du khách đã đến để khám phá hồ Hòa Bình với vẻ đẹp được mệnh danh là "vịnh Hạ Long trên núi". Năm nay, du khách đến hồ Hòa Bình có cơ hội trải nghiệm thêm nhiều hoạt động hấp dẫn. Một trong những điểm nhấn đặc biệt là tour chèo thuyền kayak trên lòng hồ, du khách có thể khám phá từng ngóc ngách thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài ra, dịch vụ du thuyền nghỉ dưỡng, các nhà hàng, dịch vụ du lịch cũng đưa vào khai thác đa dạng hơn.
Những năm gần đây, lượng du khách đến thăm đền Chúa Thác Bờ ngày càng đông, nhất là dịp đầu Xuân. Năm nay, cơ sở vật chất có nhiều đổi mới, mở rộng hơn; du khách hành hương chiêm bái ý thức gìn giữ không gian tâm linh sạch đẹp, văn minh.
Hiện nay, du lịch Hòa Bình có một số điểm đến hấp dẫn nổi danh trên bản đồ du lịch Việt Nam, như: du lịch cộng đồng bản Lác - xã Chiềng Châu (Mai Châu), du lịch cộng đồng bản Đá Bia - xã Tiền Phong (Đà Bắc). Trong năm 2024, có thêm 5 dự án đầu tư vào du lịch được cấp mới, bao gồm dự án khu trải nghiệm văn hóa kết hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dưỡng sinh tại xã Hợp Phong (Cao Phong); tuyến cáp treo Kim Bôi - Lạc Sơn tại xã Kim Bôi (Kim Bôi); khu du lịch nông nghiệp Thung Mường tại xã Tú Sơn (Kim Bôi); khu du lịch sinh thái Nam Thượng tại xã Nam Thượng (Kim Bôi); khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng dân tộc tại xã Sơn Thủy (Mai Châu).
Trên khu du lịch hồ Hòa Bình, một số dự án du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao đang triển khai đầu tư, như: khu du lịch thiên nhiên Robinson ở xã Tiền Phong (Đà Bắc), khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa ở xã Suối Hoa (Tân Lạc)…
Năm 2025, du lịch Hòa Bình đặt mục tiêu đón 4,9 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 5.400 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm, tại nhiều địa phương ở tỉnh Hòa Bình có các hoạt động hấp dẫn du khách. Nổi bật như Tết Mông và Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu); Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình tổ chức tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc với 95.000 lượt người tham gia, trong đó có 85.000 khách du lịch; Lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy) đón khoảng 30.000 lượt người dân và du khách.
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, để thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển du lịch năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh dành nguồn lực ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch.
Trong đó, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của địa phương, tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao chất lượng cao; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành điểm tham quan du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, xây dựng dự án, sản phẩm du lịch chất lượng để khai thác tiềm năng, thu hút thêm nhiều du khách đến với tỉnh, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.