Phát triển du lịch tại quần thể Di tích Đền Bà Triệu (Bài cuối): Mảnh đất Triệu Lộc – nơi in đậm dấu ấn của cuộc khởi nghĩa
Những ngày này, vùng đất Triệu Lộc (Hậu Lộc), nơi in hằn dấu ấn của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu không khí khá sôi động, nhộn nhịp. Mọi người đều đang tất bật để chuẩn bị cho Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023, kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22-2 năm Mậu Thìn 248 - 22-2 năm Quý Mão 2023) được tổ chức từ ngày 11 đến 13-3 (tức ngày 20 đến 22-2 âm lịch).
Đồng chí Lê Ngọc Doãn, Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc cho biết: Xã Triệu Lộc nằm ở phía Tây của huyện Hậu Lộc. Trước đây, vùng đất này có tên gọi là Bồ Điền, sau đổi thành Phú Điền. Đất Bồ Điền xưa địa hình hiểm trở, đồi núi, đồng bằng đan xen. Hơn nữa, nơi đây có núi Tùng nếu nhìn từ trên xuống có thể bao quát vào tầm mắt một dải núi non đồng bằng nối tiếp. Bởi vậy, xưa kia vùng đất này đã được Bà Triệu chọn làm căn cứ kháng chiến trong cuộc khởi nghĩa của bà.
Bởi vậy, sau khi giành được một số thắng lợi tại căn cứ Ngàn Nưa, khiến giặc Đông Ngô kinh hồn bạt vía, để phát triển lực lượng và thuận lợi cho truy quét quân địch, Bà Triệu quyết định tiến quân xuống khu vực đồng bằng, lấy vùng đất Bồ Điền làm căn cứ kháng chiến. Chỉ trong thời gian ngắn tại mảnh đất này diễn ra hơn 30 trận quyết chiến ác liệt của nghĩa quân Bà Triệu với giặc Ngô. Bà Triệu cùng 3 ông tướng họ Lý đã chiến đấu anh dũng, và đều hy sinh oanh liệt tại đây.
Đến nay, đã nhiều thế kỷ trôi qua, thế nhưng, trên mảnh đất Phú Điền ngày nay những dấu vết lịch sử, những công trình tâm linh vẫn đang hiện diện và được biết bao thế hệ gìn giữ, phát huy. Trong đó, phải kể đến bãi đất trống giữa cánh đồng làng Phú Điền. Tương truyền, đây là nơi Bà Triệu cùng các nghĩa binh lập hội ăn thề trước khi ra trận. Do đó, Nhân dân đã dựng nên ngôi miếu nhỏ, quanh năm hương khói, để ghi nhớ buổi đầu nghĩa quân về xây dựng căn cứ tại mảnh đất này.
Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu nằm dưới chân núi Gai cũng là minh chứng sống động của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Đây là công trình lớn nhất trong cả nước, thờ tự Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Theo một số tư liệu lịch sử, đền được xây dựng sau khi Bà Triệu hy sinh. Qua hàng ngàn năm, sau rất nhiều lần xây mới, trùng tu, tôn tạo, đền có diện mạo như ngày nay. Đến năm 2014, quần thể di tích đền Bà Triệu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt. Điều đó, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ cháu con dành cho nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.
Một trong những công trình văn hóa tâm linh quan trọng của người dân địa phương đó là đình làng Phú Điền, đây là công trình quan trọng trong quần thể di tích Bà Triệu. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, để tưởng nhớ công ơn của Bà Triệu đối với đất nước, quê hương, Nhân dân thôn Phú Điền đã tôn bà là Thành hoàng làng, và lập nên đình thờ. Đình được xây dựng trên nền đất cao, được xem là nơi tụ linh, tụ phúc của làng. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, đình làng Phú Điền vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, mang dáng dấp đặc trưng của công trình tâm linh tại các làng quê Bắc bộ xưa. Từ xưa đến nay, người dân Phú Điền đều duy trì tổ chức sinh hoạt văn hóa tâm linh theo phong tục truyền thống tại ngôi đình.
Một địa danh linh thiêng đã đi vào lịch sử đó là núi Tùng. Nơi đây, 1775 năm về trước, ngay tại đỉnh núi, Bà Triệu cùng nghĩa quân đã chiến đấu đến phút cuối cùng với quân xâm lược. Sau khi Bà Triệu hy sinh, Nhân dân đã tìm kiếm ngọc thể và chôn cất bà trên đỉnh núi. Suốt từ đó đến nay, trên lăng mộ bà dường như khói hương chưa bao giờ ngưng tắt. Và ngọn tháp sừng sững giữa trời, qua bao năm tháng như minh chứng cho tinh thần anh dũng quật cường và khí tiết oanh liệt của người nữ Anh hùng dân tộc. Dưới chân núi Tùng, còn có khu mộ thờ 3 vị tướng quân họ Lý, những người con ưu tú của đất Bồ Điền xưa, đã có công phò giúp cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, và hy sinh oanh liệt cùng bà.
Cùng với những địa danh, những công trình văn hóa tâm linh đặc sắc thì mảnh đất Triệu Lộc hiện còn lưu giữ một kho tàng văn hóa phi vật thể với nhiều lễ hội, truyền thuyết dân gian, các tục lệ truyền thống... Đặc biệt nhất, là lễ hội đền Bà Triệu diễn ra vào tháng 2 (âm lịch) hằng năm thu hút đông đảo người dân trong vùng về dâng vương, chiêm bái, tỏ lòng ngưỡng vọng tiền nhân. Lễ hội được xem là sự kiện văn hóa lịch sử, tín ngưỡng dân gian quan trọng của cả nước.
Trải qua bao thế kỷ, nhưng những dấu ấn của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu vẫn còn in đậm trên mảnh đất Triệu Lộc. Để rồi, những năm qua, các cấp chính quyền cùng Nhân dân nơi đây vẫn nỗ lực từng ngày gìn giữ cho hào khí ấy luôn trường tồn, sáng mãi như là để nhắc nhớ con cháu hôm nay tiếp nối truyền thống tự lực tự cường, hiên ngang bất khuất mà cha ông đã để lại.