Phát triển du lịch từ di sản

Di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang nằm trên địa bàn phường Xương Giang (TP Bắc Giang). Nơi đây đã ghi dấu chiến thắng Xương Giang lừng lẫy của nghĩa quân Lam Sơn (năm 1427), góp phần chấm dứt 20 năm ách đô hộ của nhà Minh. Năm 2012, tỉnh Bắc Giang xây dựng công trình Địa điểm chiến thắng Xương Giang mới trên nền thành cổ Xương Giang xưa với tổng diện tích 10 ha.

Năm 2019, Địa điểm chiến thắng Xương Giang được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; năm 2020 được công nhận là điểm du lịch. Mới đây, Lễ hội Xương Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có thể nói, đây là yếu tố rất thuận lợi để di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang thu hút du khách tham quan, góp phần phát triển du lịch.

Vài năm gần đây, khu di tích bước đầu đã thu hút khách tham quan, nhất là dịp đầu xuân. Nơi đây cũng được nhiều trường học trên địa bàn TP chọn để tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Hiện nay, một số công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch trong tỉnh với lịch trình 1 ngày hoặc 2 ngày 1 đêm, trong đó TP Bắc Giang được xác định là trung tâm, điểm dừng chân để khách vui chơi, ăn nghỉ. Vì vậy, di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang là điểm du lịch được các công ty lữ hành chọn đưa khách tới thăm trong lịch trình tour tham quan.

Nhiều đoàn công tác của bộ, ngành T.Ư và các tỉnh, TP bạn cũng được giới thiệu tới nơi này. Tuy nhiên, dù đã được công nhận là điểm du lịch song di tích vẫn chưa tạo được dấu ấn đặc biệt đối với khách tham quan. Hầu hết, người dân, du khách đến đây dâng hương tại đền Xương Giang, dành vài phút ngắm cảnh, chụp ảnh rồi ra về. Tại đây không có hoạt động văn hóa, dịch vụ đặc sắc, hấp dẫn để níu kéo họ ở lại thưởng thức, sử dụng, chi tiêu. Kể cả thứ Bảy, Chủ nhật song lượng khách đến đây cũng rất thưa thớt.

Tại một số hội thảo về phát triển du lịch do Sở VHTTDL tổ chức, nhiều ý kiến đã khẳng định giá trị đặc biệt của di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang mà không phải nơi nào cũng có. Chính quyền, ngành chức năng cần tận dụng, phát huy lợi thế để biến di sản trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, có tính đặc trưng. Nếu biết khai thác giá trị di sản sẽ thu hút đông đảo khách tham quan, nhất là học sinh, sinh viên, giáo viên các trường học trên cả nước.

Các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành gợi mở, đề xuất những ý tưởng để phát triển du lịch như: Nghiên cứu, tái hiện mô hình trận giả về chiến thắng Xương Giang, các trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn. Học sinh sẽ cảm thấy thích thú khi được trải nghiệm cưỡi ngựa, bắn cung tên, mặc quần áo của nghĩa quân, đánh trận giả...

Xây dựng trích đoạn kịch dưới hình thức sân khấu hóa tái hiện cảnh nghĩa quân đại phá thành Xương Giang. Cùng đó, đưa các hoạt động: Trình diễn quan họ, biểu diễn múa rối nước, viết thư pháp, trải nghiệm làm bánh đa Kế; thiết kế mô hình chợ quê, các gian trưng bày bắt mắt, hấp dẫn về sản vật của quê hương Bắc Giang; quà lưu niệm (móc chìa khóa, sách, tranh ảnh về di tích)… Khi lượng khách đông, nhiều người biết đến có thể bán vé, thu phí trọn gói tham quan giống như một số tỉnh, TP đã làm. Mặt khác, nghiên cứu, xem xét mở rộng không gian văn hóa, đầu tư thêm các hạng mục công trình sao cho xứng tầm với di tích, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

Phương Ngân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/415352/phat-trien-du-lich-tu-di-san.html