Phát triển du lịch tuần hoàn, tối ưu hóa tài nguyên di sản
Du lịch tuần hoàn với đặc trưng là tái sử dụng tài nguyên du lịch trong chu trình khép kín, đang mở ra cơ hội lớn cho các thành phố như Hà Nội, nơi có văn hóa phong phú và nhiều di sản đặc sắc. Phát triển loại hình này cần tái cấu trúc mô hình du lịch theo hướng bền vững hơn.
Thiếu hệ thống, thiếu tương tác
Theo TS. Trần Quốc Việt, Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, khảo sát trong 5 năm gần đây, du lịch Hà Nội đã đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi khai thác nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách. Các tour nội đô như “Hà Nội 36 phố phường”, “Đêm Hoàng thành Thăng Long”, “Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, “Khám phá ẩm thực Hà Nội về đêm”... đang trở thành sản phẩm tiêu biểu, kết hợp giữa di sản - nghệ thuật - ẩm thực và yếu tố trải nghiệm.
“Đây được xem là bước đầu tích cực nhằm làm mới hình thức tham quan, giảm tải cho các điểm đến truyền thống và tạo ra các sản phẩm du lịch giàu bản sắc”, TS. Trần Quốc Việt nhận định.

Khách tham gia tour trải nghiệm Văn Miếu về đêm. Ảnh: HS
Bên cạnh đó, các tour du lịch vùng ven Hà Nội cũng được chú trọng phát triển. Tiêu biểu như tour làng cổ Đường Lâm, tour du lịch nông nghiệp Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh, Long Biên hay tour kết hợp sinh thái - văn hóa tại khu vực đồi gò ven đô, góp phần mở rộng không gian du lịch, kết nối các giá trị văn hóa - nông nghiệp - làng nghề, tạo thêm sinh kế cho cộng đồng địa phương. Một số sản phẩm đã bước đầu lồng ghép yếu tố giáo dục môi trường, trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ, học nghề truyền thống, tạo điều kiện cho mô hình du lịch học tập, gần với định hướng tuần hoàn.
Tuy nhiên, TS. Trần Quốc Việt cho rằng, du lịch Hà Nội chủ yếu vẫn mang dấu ấn mô hình du lịch đại trà, với trọng tâm là khai thác các điểm đến nổi tiếng và làng nghề, khu vực ven đô; hướng tới số lượng khách nhiều, thời gian lưu trú ngắn, thiếu chiều sâu trải nghiệm.
“Mặc dù nỗ lực đưa yếu tố văn hóa bản địa vào sản phẩm du lịch, song phần lớn vẫn ở mức bề mặt, thiên về trình diễn hơn là tương tác hoặc đồng sáng tạo. Du khách có thể được xem quy trình làm gốm, dệt lụa hoặc viết thư pháp, nhưng hiếm khi có cơ hội tham gia trực tiếp hoặc tìm hiểu sâu sắc hệ giá trị văn hóa và lối sống của cộng đồng địa phương gắn với các hoạt động đó. Xét về các tiêu chí của du lịch tuần hoàn, Hà Nội hiện chưa đáp ứng một cách đầy đủ”.
Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch bền vững Vgreen Phùng Quang Thắng, khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có luôn rất dễ dàng, dễ chiều chuộng nhu cầu du lịch của số đông. Song việc tái tạo và sử dụng các tài nguyên di sản mới là bài toán cần giải.
Tại Hà Nội, việc này còn manh mún, thiếu hệ thống và thường bị chi phối bởi mục tiêu thương mại ngắn hạn. Nhiều không gian văn hóa chưa có cơ chế khai thác du lịch gắn với bảo tồn và tái sinh bền vững. Các hoạt động du lịch vẫn chủ yếu phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân hoặc tour xe lớn, chưa có mô hình phát triển du lịch xanh hiệu quả. Rác thải từ du khách, như nhựa dùng một lần, thực phẩm dư thừa... ít được kiểm soát triệt để tại các điểm đến. Sự tham gia của cư dân địa phương vào chuỗi giá trị du lịch còn mờ nhạt...
Bản địa hóa giá trị trải nghiệm
“Du lịch tuần hoàn, với định hướng tối ưu hóa tài nguyên, kéo dài vòng đời của sản phẩm, và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, cần trở thành mô hình chiến lược cho Hà Nội, phù hợp cả về bản sắc văn hóa lẫn nhu cầu phát triển, rất cần được phát triển”, TS. Trần Quốc Việt gợi ý.
TS. Trần Quốc Việt đề xuất, Hà Nội nên xác lập mô hình du lịch tuần hoàn theo hướng “bản địa hóa giá trị trải nghiệm”, tức là thay vì tiếp tục khai thác các điểm đến nổi tiếng theo kiểu tiêu dùng nhanh, mô hình mới tập trung vào thiết kế trải nghiệm sâu tại các không gian văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống, di sản sống. Khách du lịch không chỉ là người “đi qua”, mà trở thành người “tham dự” và “tái tạo”, được học cách làm giấy dó, trải nghiệm bữa cơm Hà Nội cổ, tham gia vào lễ hội dân gian, hoặc cùng cộng đồng gìn giữ một nếp sống đã có từ nhiều thế kỷ.

Các em nhỏ trải nghiệm nặn gốm tại Bát Tràng. Nguồn: sinhtour.vn
TS. Trần Quốc Việt lấy ví dụ từ làng nghề gốm Bát Tràng, khách đến thay vì tập trung vào hoạt động nặn gốm đơn lẻ, cần thiết kế tour vòng đời sản phẩm, từ việc du khách trực tiếp quan sát quá trình khai thác và xử lý đất sét, đến tham quan lò nung truyền thống, tìm hiểu quy trình chế tác, đặc biệt là câu chuyện phía sau từng dòng sản phẩm, giúp khách hiểu rõ giá trị bền vững của mỗi sản phẩm, sử dụng và phát triển sản phẩm thân thiện môi trường (gốm không chì, gốm tái chế)…
Ông Phùng Quang Thắng góp ý, du lịch tuần hoàn tại Hà Nội cũng cần gắn chặt với chiến lược phát triển xanh của đô thị. Các hoạt động du lịch cần được thiết kế để giảm lượng phát thải carbon, thông qua sử dụng phương tiện giao thông sạch; phát triển cơ sở lưu trú sinh thái; khuyến khích mô hình không lãng phí trong các điểm đến...
Đại diện các đơn vị lữ hành tại Hà Nội cũng mong muốn hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch tuần hoàn; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp ứng dụng mô hình du lịch tuần hoàn. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng cư dân và các nhà nghiên cứu văn hóa…