Phát triển du lịch và khai thác giá trị đa dụng của rừng
Phát triển du lịch gắn với rừng được coi là một trong những hoạt động góp phần đưa rừng từ đơn giá trị sang đa giá trị.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 208/QĐ-TTg ban hành Đề án phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu của Đề án là phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm và tăng thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương…
Chia sẻ rõ hơn về những điểm mới của Đề án, tại tọa đàm Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều ngày 4/4, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng cho rằng, Đề án có 3 điểm mới. Cụ thể là cách tiếp cận tổng thể, toàn diện, phát huy giá trị đa dụng của rừng, từ đơn giá trị sang đa giá trị, từ trực tiếp (sản phẩm gỗ…) sang gián tiếp (dịch vụ môi trường rừng…).
Thứ hai, Đề án tiếp cận đa ngành, trong đó liên quan đến nhiều mảng, nhiều lĩnh vực, do đó cần huy động nguồn lực, từ các bộ ngành đến địa phương, chủ rừng đến doanh nghiệp. Thứ ba, Đề án thể hiện quan điểm kết hợp giữa bảo tồn, giữ gìn giá trị về tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, tri thức bản địa, đồng thời từ phát triển rừng quay lại tái đầu tư, cải thiện sinh kế cho chủ rừng.
Một trong những mục tiêu của Đề án phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 là phát triển hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững. Phấn đấu nguồn thu từ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tăng 50% so với năm 2020 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050.
Chia sẻ rõ hơn về mô hình này, tại sự kiện, ông Vũ Đức Quyền – Phó Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên cho rằng, hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với đồng bào dân tộc thiểu số là xu hướng tất yếu nếu muốn bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng. “Người dân mà đói thì rừng cũng không giữ được,” ông Quyền nhận định.
Hiện nay, Vườn quốc gia Hoàng Liên có diện tích 28.500 ha trải dài qua hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, trong đó có 4 vùng lõi với khoảng 483 hộ. Từ năm 2007, mô hình du lịch cộng đồng tại Vườn quốc gia này đã được tiến hành, đến năm 2015 mô hình này phát triển mạnh mẽ hơn và đi vào quy củ, gắn với địa phương, sở du lịch. Trong giai đoạn này, trình độ của người dân về mô hình cũng được nâng cao và cách tiếp cận du lịch, phục vụ du khách đã vào nề nếp.
Nhận định về mục tiêu nguồn thu từ mô hình du lịch gắn với rừng trong Đề án, ông Quyền cho rằng, mục tiêu này có thể đạt được tuy nhiên các chủ thể tham gia cần thực sự cố gắng. Để đạt được điều này, ông Quyền đề ra 3 giải pháp chính.
Trước hết, cần tăng cường công tác đào tạo cho người dân mang tính chuyên biệt. Bên cạnh đó, phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới, tạo cảnh quan môi trường và điều này không làm đơn lẻ mà cần gắn với xây dựng nông thôn mới. Cuối cùng, cần phát huy giá trị văn hóa, tri thức bản địa, đẩy mạnh giới thiệu ngành nghề, sản phẩm OCOP. Theo ông Vũ Đức Quyền, nếu có thể thực hiện các giải pháp trên thì mục tiêu nguồn thu trong Đề án có thể đạt được.
Dưới góc độ quản lý, ông Phạm Hồng Lượng cho rằng có 4 điểm quan trọng để có thể phát triển du lịch gắn với rừng. Cụ thể, đối với cơ chế chính sách, thay vì chuyển đổi sử dụng rừng thì cần xem xét đến việc thúc đẩy các chính sách cho thuê môi trường rừng, để phát triển rừng gắn với phát triển du lịch. Việc cho thuê này cũng cần thuận tiện, để chủ rừng, các nhà đầu tư có thể dễ dàng thực hiện.
Cơ sở hạ tầng cũng cần đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. “Nếu các vườn quốc gia cải thiện tốt cơ sở hạ tầng, tăng tiếp cận du khách thì chắc chắn du lịch sinh thái rừng sẽ phổ biến,” ông Lượng nhận định.
Yếu tố con người cũng là một trong những điểm quan trong việc phát triển du lịch gắn với rừng. Theo ông Lượng, con người vừa là chủ thể, vừa là động lực, do đó họ cũng cần được trang bị kiến thức, nâng cao năng lực để họ tin tưởng, tự tin làm được.
Cuối cùng, không thể bỏ qua vấn đề công nghệ. “Trong thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số thì ứng dụng marketing online, văn phòng điện tử, ứng dụng bảo tàng thực tế ảo là cần thiết. Nếu chúng ta ứng dụng tốt công nghệ cho du lịch thì sẽ mang đến trải nghiệm rất tốt cho du khách,” ông Lượng nói.