Phát triển du lịch xanh, bản sắc, bền vững
Phát triển phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch (DL); xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng DL; tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng DL... Đây là nhóm giải pháp trọng tâm được tỉnh ta thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhằm phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng xanh, bản sắc và bền vững.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Hiện nay, tỉnh ta đang phát triển 5 loại hình sản phẩm DL gồm: DL văn hóa; cộng đồng; sinh thái, nghỉ dưỡng; thể thao – mạo hiểm; thương mại, biên giới. Các sản phẩm DL trải đều với ba không gian: Đông Bắc, Tây Nam và khu trung tâm, được khai thác quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ. Trong đó, sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng trong năm là giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với mô hình các làng văn hóa (LVH) DL, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, giá trị địa chất, địa mạo. Toàn tỉnh có 90 điểm DL đang hoạt động, trong đó, 16 điểm đã được UBND tỉnh công nhận.
Đẩy mạnh phát triển DL cộng đồng, tỉnh ta đang tập trung nguồn lực đầu tư để 40 LVH được công nhận “LVH DL tiêu biểu gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chương trình xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng 16 LVH thuộc Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các LVH DL cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Đa phần các LVH đều được khai thác hiệu quả, thu hút khách DL và huy động sự tham gia của cộng đồng trong cung ứng dịch vụ, đảm bảo các lợi ích từ DL, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH địa phương. Thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ DL đạt từ 70 – 90 triệu đồng/năm, nhiều hộ đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, đầu năm 2023, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) xuất sắc giành giải thưởng ASEAN về lĩnh vực DL cộng đồng lần thứ 3. Kết quả này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hình ảnh, vị thế DL Hà Giang trên thị trường khu vực và thế giới. Ngoài ra, các địa phương còn khai thác tốt sản phẩm DL sinh thái nông nghiệp gắn với trải nghiệm các LVH DL cộng đồng như: Trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến sản phẩm dược liệu, đặc sản địa phương tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quản Bạ, Hoàng Su Phì. Không những vậy, toàn tỉnh còn có 8 làng nghề được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; 6 làng nghề xây dựng được 201 sản phẩm OCOP từ 3 – 4 sao phục vụ DL.
Đặc biệt, phát huy lợi thế về cảnh quan, giá trị đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, tỉnh ta đã hình thành những khu DL sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của khách DL và người dân như: Khu DL sinh thái Pan Hou (Hoàng Su Phì), H’Mong Village (Quản Bạ), P’apiu Resort (Bắc Mê)... Ngoài ra, tỉnh ta còn đưa một số sản phẩm DL mạo hiểm vào khai thác, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong nước và quốc tế như: Đua xe mô tô, ô tô địa hình đồi dốc và lòng suối tại huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì; chèo thuyền Kayak, thuyền ván đứng (SUP) vượt thác tại sông Nho Quế (Mèo Vạc); đi bộ chinh phục Vách đá trắng hay giải Marathon quốc tế chạy trên cung đường Hạnh Phúc... Đồng thời, có các sản phẩm DL văn hóa đặc sắc, tạo nên nét riêng, hấp dẫn của mảnh đất cực Bắc Tổ quốc. Đó là 61 di tích, danh thắng được xếp hạng, gồm 31 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 30 di tích, danh thắng cấp tỉnh; 3 bảo vật quốc gia và 27 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều di tích được đầu tư tôn tạo, phát huy hiệu quả khai thác DL như: Di tích nhà Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng...
Tạo động lực phát triển bền vững
Hiện nay, tỉnh ta đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khâu đột phá phát triển KT-XH của tỉnh. Nhằm tạo “cú hích” phát triển DL bền vững, ngày 15.7.2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 10 và 12 về một số chính sách hỗ trợ phát triển DL đến năm 2028; hỗ trợ đối với người trực tiếp trông coi di tích và nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trong thời gian 36 tháng với khoản vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng trạm dừng chân DL; phát triển một số sản phẩm DL mạo hiểm; hỗ trợ từ 100 – 200 triệu đồng cho các LVH DL tiêu biểu thực hiện đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng DL, các công trình phúc lợi, cải tạo cảnh quan LVH DL nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, thu hút khách DL. Đồng thời, hỗ trợ từ 1 – 1,2 triệu đồng/người/tháng đối với người trực tiếp trông coi di tích, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh và hỗ trợ sinh hoạt đối với các cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách, tỉnh ta còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá DL, đổi mới hoạt động ngoại giao văn hóa, truyền thông trên nền tảng số gắn với các sự kiện, hoạt động liên kết phát triển DL trong và ngoài nước; lắp đặt hệ thống mã QRCode tại 20 khu, điểm DL nhằm cung cấp thông tin đến du khách. Đặc biệt, thông qua việc tập trung nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng DL, đến nay, 100% đường tỉnh, huyện, xã đến các điểm DL và đường đến trung tâm các xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; đường thôn, xóm có các điểm DL được cứng hóa phục vụ du khách đi lại thuận tiện. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh ta đã cung cấp thông tin quy hoạch, hỗ trợ 4 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát các địa điểm đầu tư DL; cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Tổ hợp DL mạo hiểm trên không Bảo Yến, tại huyện Hoàng Su Phì cho Công ty Cổ phần B&G Group với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng...
Năm 2023, DL của tỉnh ta tiếp tục phát triển khởi sắc. Toàn tỉnh đón hơn 3 triệu lượt du khách DL; trong đó, có trên 282.000 lượt khách quốc tế còn lại là khách nội địa (tăng 33% so với năm 2022, vượt 20,7% so với kế hoạch năm 2023). Ấn tượng hơn, vị trí địa chính trị, địa văn hóa, địa kinh tế của tỉnh ta tiếp tục được khẳng định khi Hà Giang vinh dự được Đại Hội đồng mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) trao danh hiệu thành viên mạng lưới cho CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III; được Tổ chức DL thế giới trao giải thưởng Hà Giang – Điểm đến DL mới nổi hàng đầu châu Á; Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam trao chứng nhận và giới thiệu 3 món ẩm thực tiêu biểu của Hà Giang (cá Bỗng, cháo Ấu tẩu, phở Ngô) nằm trong danh sách tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Những kết quả trên tiếp tục là tiền đề để tỉnh ta bứt phá, đưa DL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn, an toàn cho du khách.