Phát triển du lịch xanh bền vững

Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần II năm 2024, chiều ngày 15/11 diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Sáng kiến du lịch xanh Mekong”.

Buổi tọa đàm do bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp; ông Nguyễn Hoài Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Wildbird; TS Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban IV chủ trì. Sự kiện có sự tham dự của các chuyên gia, đại diện lãnh đạo các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh ĐBSCL, các Hiệp hội, doanh nghiệp, startup khu, điểm du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL…

Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, TS Dương Đức Minh - Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP HCM chia sẻ về “Cơ hội, thách thức hiện hữu trong phát triển du lịch xanh tại ĐBSCL và “không gian” cho các mô hình đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh”. Là chuyên gia tư vấn cho các dự án triển khai mô hình du lịch xanh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Trà Vinh, Đồng Nai và Đồng Tháp, TS. Dương Đức Minh cho rằng, du lịch xanh giúp các địa phương tận dụng tối đa các yếu tố tự nhiên và văn hóa, từ đó xây dựng hình ảnh du lịch đặc thù, bảo vệ môi trường và phát huy giá trị văn hóa bản địa.

Theo đó, TS Dương Đức Minh đưa ra một số giải pháp kết nối và khai mở các không gian đổi mới sáng tạo để xây dựng chuỗi giá trị du lịch, triển khai các mô hình du lịch đặc sắc. Định hướng đồng sáng tạo sản phẩm du lịch xanh tại ĐBSCL, ông Dương Đức Minh cho rằng, cần thực hiện dựa trên 2 nền tảng “cùng trải nghiệm” và “cùng hoài nhớ”. Theo đó, kiến tạo tín hiệu thấu cảm để du khách hòa mình vào không gian tự nhiên du lịch, nhân văn và kiến tạo tín hiệu hoài niệm để khách du lịch khắc sâu hơn về ĐBSCL.

Trăn trở và tiên phong với ý tưởng về du lịch kết hợp nông nghiệp, văn hóa bản địa, cảnh quan thiên nhiên, TS Ngô Kiều Oanh - Chuyên gia du lịch nông nghiệp thuộc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) giới thiệu về mô hình “Du lịch muối thông minh gắn với chuyển đổi số cộng đồng nông thôn ở Bạc Liêu” với những thành công nhất định. Đặc biệt là bảo tồn nghề làm muối truyền thống với 2 sản phẩm đặc thù, giàu giá trị dinh dưỡng gồm: muối nâu hồng và rau sam muối. Trên tinh thần đó, TS Ngô Kiều Oanh đưa ra một số khuyến nghị về phát triển du lịch nông nghiệp như điều tra các tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn theo vùng sinh thái, sản vật cốt lõi đưa vào các khu vực phát triển mang tính bền vững theo yêu cầu của du lịch xanh. Đặc biệt là xây dựng bản quy hoạch mang tính khoa học căn cơ để đưa ra được bản đồ du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL. Đây còn là nền tảng cho ngành du lịch phát triển các tuyến, điểm đến du lịch nông nghiệp.

Hướng đến phát triển du lịch xanh, tại buổi tọa đàm, các đại biểu chia sẻ 15 ý kiến liên quan đến hỗ trợ những cơ chế chính sách; hợp tác, kết nối giữa các điểm du lịch để hình thành chuỗi dịch vụ du lịch. Đáng chú ý, các startup còn chia sẻ nhiều giải pháp về phát triển du lịch xanh, trong đó đẩy mạnh khai thác phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp vừa tăng nguồn thu vừa phục vụ phát triển du lịch xanh; sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên; kết hợp tài nguyên bản địa với văn hóa vùng miền vào các sản phẩm du lịch…

Tại buổi tọa đàm, TS Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban IV giới thiệu đến các đại biểu "Sáng kiến mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong".

Y Du

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/du-lich/phat-trien-du-lich-xanh-ben-vung-127099.aspx