Phát triển dữ liệu để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số

Chuyển đổi số, với dữ liệu là trung tâm đang làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và phát triển. Việt Nam cần làm gì để tiếp cận cơ hội này?.

Chiến lược dữ liệu là bước khởi đầu để Việt Nam nỗ lực tìm kiếm giải pháp hiện thực hóa chiến lược để đạt được các mục tiêu của mình.

Chiến lược dữ liệu là bước khởi đầu để Việt Nam nỗ lực tìm kiếm giải pháp hiện thực hóa chiến lược để đạt được các mục tiêu của mình.

Dữ liệu là gì?

Theo Luật Giao dịch điện tử, dữ liệu là các thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm nhạc hoặc dạng tương tự. Theo nghĩa rộng, dữ liệu thô là các số, ký tự, hình ảnh hay các kết quả khác của các thiết bị chuyển đổi các lượng vật lý thành các ký hiệu.

Trong máy tính, dữ liệu được lưu trữ và xử lý tại đó hoặc được chuyển (output) cho một người hoặc một máy tính khác. Dữ liệu thô là một thuật ngữ tương đối; việc xử lý dữ liệu thường được thực hiện theo từng bước và dữ liệu đã được xử lý tại bước này có thể được coi là dữ liệu thô cho bước tiếp theo.

Quản trị dữ liệu ở các nước

Năm 2020, trong thông báo về “Ý kiến về việc xây dựng một hệ thống và cơ chế hoàn thiện hơn để phân bổ các yếu tố theo định hướng thị trường”, chính phủ Trung Quốc xem dữ liệu là “yếu tố sản xuất thứ năm” sau đất đai, lao động, vốn, công nghệ.

Trung Quốc thành lập Cơ quan Quản lý Dữ liệu quốc gia (NDA) nhằm phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, tăng cường quản lý kho dữ liệu khổng lổ của quốc gia. (Nguồn: SCMP)

Trung Quốc thành lập Cơ quan Quản lý Dữ liệu quốc gia (NDA) nhằm phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, tăng cường quản lý kho dữ liệu khổng lổ của quốc gia. (Nguồn: SCMP)

Để phát huy vai trò của yếu tố dữ liệu, Trung Quốc nhiều lần đưa ra định hướng phát triển thị trường dữ liệu trong các tài liệu quan trọng như “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025)”, “Thông báo về phương án tổng thể thí điểm cải cách toàn diện phân bổ thị trường yếu tố sản xuất (năm 2022)”.

Trung Quốc đã xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu với ba trụ cột chính là đảm bảo an ninh dữ liệu, bảo vệ quyền người dùng và giải phóng giá trị dữ liệu.

Để đảm bảo an ninh dữ liệu, nước này đã thông qua các luật như “Luật An ninh quốc gia”, “Luật An ninh mạng”, “Luật Bảo mật dữ liệu” và các quy định liên quan, thiết lập cơ chế như phân loại, phân cấp dữ liệu và bảo vệ dữ liệu quan trọng, đánh giá bảo mật dữ liệu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc xây dựng hệ thống các quy tắc quản trị dữ liệu như bảo vệ an ninh dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, quản lý dữ liệu công khai và lưu thông giao dịch dữ liệu.

Với Nhật Bản, tháng 6/2021, nước này công bố “Chiến lược Dữ liệu quốc gia” và đây là chiến lược dữ liệu toàn diện đầu tiên của Nhật Bản. Chiến lược này có mục đích thông qua việc bảo đảm sự tin tưởng và lợi ích công cộng, xây dựng khung cấu trúc để sử dụng dữ liệu an toàn và hiệu quả; đảm bảo sự tin tưởng vào bản thân dữ liệu cũng như phương pháp tạo, lưu thông dữ liệu của Nhật Bản trên phạm vi toàn thế giới; xây dựng một xã hội mà thế giới có thể yên tâm lưu trữ dữ liệu tại Nhật Bản.

Để thực hiện chiến lược này, đến tháng 9/2021, Nhật Bản đã thành lập Cơ quan Kỹ thuật số. Trong “Chiến lược Dữ liệu quốc gia”, Nhật Bản quản trị dữ liệu với 7 tầng, gồm: Cơ sở hạ tầng, dữ liệu, nền tảng hợp tác, môi trường sử dụng, quy tắc, tổ chức, chiến lược và chính sách.

Trong khi đó, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 5/2022 đã thông qua “Đạo luật quản trị dữ liệu châu Âu” (tên tiếng Anh là Data Governance Act, DGA) có hiệu lực từ tháng 9/2023. DGA giải quyết ba vấn đề, đó là: Tái sử dụng dữ liệu công cộng của chính phủ; các công ty không chia sẻ dữ liệu vì e ngại chia sẻ dữ liệu đồng nghĩa với việc mất lợi thế cạnh tranh và có nguy cơ vị lạm dụng; cá nhân lo lắng dữ liệu sẽ không an toàn và không chia sẻ dữ liệu.

Nhằm giải quyết ba vấn đề trên và đáp ứng nhu cầu phát triển, EU đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái chia sẻ, lưu thông và sử dụng dữ liệu thông qua “Đạo luật quản trị dữ liệu”. Hội đồng đổi mới dữ liệu châu Âu (Data Innovation Council), các tổ chức trung gian dữ liệu, doanh nghiệp và cá nhân, các công ty quản lý của cơ quan quản lý sẽ cùng xây dựng chuỗi lưu thông dữ liệu.

Với Ấn Độ, chính sách quản trị tập trung vào từng loại dữ liệu, xây dựng khung quản trị dữ liệu cá nhân, phi cá nhân và chính phủ. Về dữ liệu cá nhân, “Quy tắc công nghệ thông tin” thông qua năm 2011 là khuôn khổ cơ bản điều chỉnh dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Tháng 8/2022, Ấn Độ công bố bản dự thảo Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân mới năm 2022. Về dữ liệu phi cá nhân, Ấn Độ không chỉ nỗ lực chia sẻ dữ liệu trong nền kinh tế và xã hội mà còn xây dựng các quy tắc để thúc đẩy lưu thông và sử dụng dữ liệu do chính phủ nắm giữ.

Năm 2019, Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin đã triệu tập Ủy ban Gopalakrishnan để đưa ra các ý tưởng về cách quản lý dữ liệu phi cá nhân ở Ấn Độ. Về dữ liệu chính phủ, tháng 3/2022, Ấn Độ công bố “Chính sách tiếp cận và chia sẻ dữ liệu quốc gia” (National Data Sharing and Accessibility Policy) nhằm mục đích chia sẻ dữ liệu phi cá nhân và không nhạy cảm do chính phủ nắm giữ vì lợi ích công cộng.

Ấn Độ cũng đề xuất một khung pháp lý kỹ thuật cho việc sử dụng dữ liệu cá nhân, cụ thể là dự thảo “Kiến trúc trao quyền và bảo vệ dữ liệu” (Data Empowerment and Protection Architecture, DEPA) do Viện nghiên cứu chuyển đổi quốc gia ban hành tháng 8/2020. DEPA nhằm mục đích cung cấp cho bên xử lý dữ liệu phương pháp kiểm soát đối với dữ liệu cá nhân, thúc đẩy chia sẻ dữ liệu thống nhất giữa các bên xử lý dữ liệu.

Xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia

Ở Việt Nam, tháng 12/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố dự thảo “Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Trung tâm Dữ liệu Quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế. (Nguồn: VGP)

Trung tâm Dữ liệu Quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế. (Nguồn: VGP)

Chiến lược này đã chỉ rõ tầm quan trọng của yếu tố dữ liệu đối với phát triển số, xác định việc tạo lập, phân loại, dán nhãn dữ liệu, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu và quản trị dữ liệu là yếu tố quyết định thúc đẩy cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân chuyển từ sở hữu riêng dữ liệu sang cùng tạo lập, chia sẻ và khai thác dữ liệu”.

Chiến lược cũng vạch ra yêu cầu, mục tiêu, định hướng để hoàn thiện thể chế; phát triển hạ tầng và nền tảng số; đảm bảo an toàn thông tin mạng và an ninh mạng; phát triển nhân lực số, kỹ năng số, công dân số và văn hóa số; phát triển doanh nghiệp số và thanh toán số.

Ra đời Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia

Ngày 22/3, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia chính thức ra mắt và tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030. Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia có sứ mệnh kết nối các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu. Hiệp hội hướng tới xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu vững mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và gia tăng giá trị dữ liệu trong nền kinh tế quốc dân.

Đặc biệt, Đại hội lần này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước kiện toàn tổ chức, định hướng hoạt động trong năm năm tới, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của Hiệp hội trong triển khai Nghiệ quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào giai đoạn bình minh của kỷ nguyên số, thời kỳ dữ liệu đã trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng, trở thành năng lượng mới, thậm chí là “máu” của nền kinh tế số. Chuyển đổi số, với dữ liệu là trung tâm, đang làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự ra đời của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng. (Nguồn: VGP)

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự ra đời của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng. (Nguồn: VGP)

Tổng Bí thư đồng thời đưa ra bảy nhiệm vụ trọng tâm đối với Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia, cụ thể: Một là, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu, tạo điều kiện cho dữ liệu được tập hợp, lưu chuyển, kết nối, chia sẻ và được khai thác tối đa nhưng vẫn bảo đảm an ninh, an toàn và chủ quyền dữ liệu.

Hai là, phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, phát triển, khai thác và làm giàu dữ liệu quốc gia, tập trung vào 4 trụ cột chính là: Con người, vị trí, hoạt động và sản phẩm.

Ba là, chủ động, tích cực ứng dụng, làm chủ, tiến tới tự chủ các công nghệ dữ liệu cốt lõi, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain) và điện toán đám mây.

Bốn là, hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng dữ liệu tiên tiến, bao gồm cả các trung tâm dữ liệu do Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, thu hút nguồn lực và tham gia vào các sáng kiến toàn cầu về dữ liệu.

Sáu là, xây dựng cơ chế thực thi và giám sát hiệu quả.

Bảy là, bảo mật dữ liệu, xây dựng hệ thống, sản phẩm bảo mật dữ liệu, phát triển các dịch vụ bảo mật dữ liệu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về bảo mật dữ liệu, hình thành ngành công nghiệp trong lĩnh vực này.

Chiến lược dữ liệu là bước khởi đầu để từ đó các quốc gia nỗ lực tìm kiếm giải pháp hiện thực hóa chiến lược để đạt được các mục tiêu của mình.

Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy chính sách quản trị dữ liệu về cơ bản tập trung vào việc lưu thông và sử dụng dữ liệu để nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế số toàn cầu.

Với Việt Nam, sự ra đời của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia một lần nữa cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, với nền quản trị số, kinh tế số, xã hội số phát triển đúng với phương châm dữ liệu “đúng - đủ - sạch - sống”.

Nguyên Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-trien-du-lieu-de-dua-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-so-309332.html