Phát triển hạ tầng giao thông vùng dân tộc thiểu số nhằm xóa đói giảm nghèo

Với 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao, hạ tầng giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang đang đổi thay tích cực nhờ nỗ lực phát huy chính sách…

Tuyến quốc lộ 31 đoạn qua xã Lệ Viễn (Sơn Động) vừa được sửa chữa. Ảnh: Sỹ Quyết

Tuyến quốc lộ 31 đoạn qua xã Lệ Viễn (Sơn Động) vừa được sửa chữa. Ảnh: Sỹ Quyết

Là một tỉnh miền núi với 09 huyện, 01 thành phố, Bắc Giang có tới 6 huyện miền núi và 01 huyện vùng cao; cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh với hơn 260 nghìn người.

Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có những thay đổi căn bản theo hướng tích cực; kinh tế vùng dân tộc thiểu số hàng năm tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh tập trung thực hiện, bảo đảm tiến độ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn năm 2023. Tổng vốn thực hiện Chương trình năm 2023 là gần 635 tỷ đồng, tổ chức thực hiện 10 dự án .

Toàn tỉnh hiện có 73 xã và 20 thôn, bản thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 36 xã khu vực I, 9 xã khu vực II, 28 xã khu vực III với tổng số 244 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Những năm qua, từ các nguồn vốn, Bắc Giang đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xây dựng ngầm, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xây dựng mới 43 cây cầu tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 33 công trình giao thông ở những thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Những ngày này có mặt tại xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động các tuyến đường bê tông đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Theo ông Vi Văn Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Giáo Liêm, ngoài tuyến đường huyện đang triển khai, từ năm 2022 đến nay, toàn xã đã bê tông hóa được hơn 6 km đường giao thông liên thôn với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Huy động nguồn xã hội hóa mở rộng 3,3 km đường thôn, xóm tại các thôn: Đá Cối, Rèm và Việt Tiến.

Ông Vi Văn Bắc cho biết thêm để thi công những công trình trên, hơn 100 hộ dân trong xã đã hiến gần 8 ha đất, 38 m2 tường rào, một khu chăn nuôi lợn, gà rộng gần 100 m2 cùng nhiều cây xanh các loại. Giao thông được đầu tư, người dân có điều kiện hơn để phát triển kinh tế, giai đoạn 2018-2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân 5%/năm.

Không chỉ có huyện Sơn Động mà tại huyện Yên Thế, trong năm 2022, địa phương bố trí gần 320 tỷ đồng cứng hóa đường thôn, xóm, trục xã, trong đó có nhiều tuyến tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tiêu biểu như tuyến đường bê tông ở các bản: Đồng Tân, La Lanh, Tràng Bắn và La Xa (xã Đồng Vương); đường bê tông, ngầm ở bản Đồng An, đường bê tông bản Gốc Bòng (cùng xã Đồng Tiến)…

Còn tại tại xã đặc biệt khó khăn Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đang triển khai 3 dự án giao thông lớn gồm: Cầu Thác Lười, đường bê tông thôn Khuôn Kén và 4 ngầm, đường dẫn với tổng kinh phí hơn 43 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện UBND xã Tân Sơn đang xây dựng 1 km đường giao thông từ thôn Bắc Hoa đi xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng ( tỉnh Lạng Sơn) từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xe ô tô vào được 100% các xã biệt khó khăn, kể cả mùa mưa, 70% đường trục thôn, bản được cứng hóa. Tuy nhiên, do đồng bào chủ yếu sống quanh núi và bị chia cắt bởi nhiều sông, suối nên nhu cầu về cầu, đường kết nối tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất lớn.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội và vùng dân tộc thiểu số DTTS và miền núi, UBND tỉnh dành hơn 391 tỷ đồng để xây dựng đường dẫn, cầu Suối Xả, xã Cẩm Đàn (Sơn Động) và 9 dự án cứng hóa đường giao thông đến trung tâm các xã. Giai đoạn 2022-2024, tỉnh bố trí 150 tỷ đồng từ nguồn vốn trung hạn để xây dựng 73 cầu, ngầm dân sinh tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế; đến nay đã có 25 công trình được khởi công.

Cùng với tỉnh, các địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Điển hình, Huyện ủy, HĐND huyện Sơn Động ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí nâng cấp, mở rộng tuyến đường xã, thôn, nội đồng giai đoạn 2022-2025 với tổng kinh phí dự kiến hơn 293 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách huyện hơn 264 tỷ đồng, còn lại ngân sách cấp xã và người dân đóng góp. UBND huyện Lục Ngạn cũng bố trí kinh phí để mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường dẫn lên các cầu, ngầm dân sinh.

Năm 2023, Bắc Giang sẽ hỗ trợ 182 hộ làm nhà ở, 1.234 hộ thực hiện chuyển đổi nghề, 2.206 hộ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung.

Đồng thời, tỉnh hoàn thành 30 km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; xây mới, cải tạo nâng cấp ba chợ, ba trạm y tế xã; đầu tư xây dựng 49 công trình thiết yếu tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 12 trường; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 7 trường nội trú, bán trú.

Dũng Hiếu

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/phat-trien-ha-tang-giao-thong-vung-dan-toc-thieu-so-nham-xoa-doi-giam-ngheo.htm