Phát triển hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng rau an toàn
Sản xuất nông sản an toàn nói chung, rau an toàn nói riêng là một bước trong quá trình thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Trên địa bàn tỉnh, diện tích chuyên canh các loại cây rau màu không nhiều, nông dân sản xuất chủ yếu trên quy mô nhỏ. Việc thúc đẩy hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng rau an toàn là giải pháp cần thiết và hiệu quả để nâng cao nhận thức về sản xuất, quản lý và tiêu dùng nông sản an toàn.
Sản xuất nông sản an toàn nói chung, rau an toàn nói riêng là một bước trong quá trình thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Trên địa bàn tỉnh, diện tích chuyên canh các loại cây rau màu không nhiều, nông dân sản xuất chủ yếu trên quy mô nhỏ. Việc thúc đẩy hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng rau an toàn là giải pháp cần thiết và hiệu quả để nâng cao nhận thức về sản xuất, quản lý và tiêu dùng nông sản an toàn.
Chủ trương của tỉnh về tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch, nông sản an toàn đã và đang thúc đẩy nông dân đổi mới phương thức sản xuất các loại rau, củ, quả. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 68/83 xã tổ chức tích tụ, tập trung đất đai, với tổng diện tích hơn 1.850 ha. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng từ thực tế cho thấy, hằng năm, các loại rau, củ, quả góp phần đáng kể vào tăng giá trị sản xuất cho ngành trồng trọt, nhất là trong vụ đông. Để tăng giá trị sản xuất cho nông dân, ngành nông nghiệp và các địa phương khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, hướng tới mở rộng quy mô, diện tích rau an toàn, rau hữu cơ.
Từ năm 2018, Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ chức VECO Việt Nam, thuộc Tổ chức Vredeseilanden (Bỉ) khởi động Dự án xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cho nông hộ sản xuất nhỏ tại tỉnh ta. Dự án đã xây dựng bằng chứng về lợi ích của PGS (Hệ thống bảo đảm cùng tham gia, được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ) trong việc thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững và có sự tham gia của nông hộ nhỏ đối với rau an toàn và rau hữu cơ. Dự án hỗ trợ nông dân và tổ chức nông dân sản xuất, kinh doanh thông qua thử nghiệm áp dụng hệ thống PGS, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường, chia sẻ kinh nghiệm và xúc tiến nguồn đầu tư, tăng cường năng lực triển khai cho các đối tác tham gia dự án.
Lực lượng chức năng lấy mẫu rau của hộ kinh doanh tại chợ Bầu, thành phố Phủ Lý để kiểm tra chất lượng. Ảnh: Mạnh Hùng
Ông Vũ Quang Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (Kim Bảng) cho biết: Thanh Sơn được chọn là một trong hai xã tham gia dự án từ ban đầu. HTXDVNN Thanh Sơn chọn các hộ và chia thành 4 nhóm để cùng giám sát quá trình sản xuất rau an toàn tại vùng đất màu ven sông Đáy. Phải nói rằng, Dự án xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cho nông hộ sản xuất nhỏ tại Hà Nam đã tác động rất lớn đến việc thay đổi nhận thức cho nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và phương thức sản xuất rau an toàn. Vai trò của nông hộ trong sản xuất và cung ứng thực phẩm hiện nay là rất lớn, nếu thay đổi thói quen của nông dân trong canh tác sẽ tác động tích cực đến phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Thực hiện biện pháp quản lý bằng hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng (PGS) không chỉ giúp cho nông dân mà còn giúp cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuận lợi hơn nhiều.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều nông dân sản xuất rau an toàn ở xã Thanh Sơn đều nhận định chung rằng “Dự án xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cho nông hộ sản xuất nhỏ tại Hà Nam” là động lực cho nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Thay bằng sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật như trước, nông dân chú trọng sử dụng thuốc sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ, áp dụng màng che phủ ni-lon để cải tạo đất và diệt mầm sâu bệnh hại cây trồng…
Chủ trương của ngành nông nghiệp trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, củ, quả; hình thành các tổ hợp tác, HTX chuyên sản xuất rau an toàn; phát triển các vùng chuyên canh một số loại rau, củ, quả chủ lực. Về cơ cấu, đa dạng chủng loại sản phẩm, bao gồm cả các loại rau ăn lá, củ, quả và rau gia vị; thử nghiệm các loại rau cao cấp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Dự kiến đến năm 2025, tổng diện tích rau trên địa bàn tỉnh tăng lên 9.800 ha (tăng 900 ha so với năm 2020), với sản lượng khoảng 171.000 tấn. Nhận thấy những ưu điểm và tính phù hợp của PGS với quy mô nông hộ nhỏ, Sở NN&PTNT khuyến khích các địa phương phát triển hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng trong sản xuất rau an toàn. Đây cũng là giải pháp để nông dân tăng cơ hội tiếp cận thị trường, minh bạch về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản xuất cho nông dân. Đồng thời góp phần kiểm soát chất lượng rau an toàn, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và từng bước tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn.
Đối với hộ sản xuất quy mô vừa và nhỏ, PGS là một hình thức đơn giản, dễ hiểu được áp dụng vào quá trình bảo đảm chất lượng sản phẩm khác với sự phức tạp và chi phí quá cao của hệ thống chứng nhận bên thứ 3. PGS tạo cho người sản xuất cơ hội xác nhận tiêu chuẩn sản xuất của mình, với mức chi phí có thể chi trả được. Sản phẩm được dán nhãn mác rõ ràng, tăng khả năng truy xuất nguồn gốc cho khách hàng. Đối với hệ thống phân phối và bán lẻ, PGS hỗ trợ kết nối hệ thống phân phối, bán lẻ với người sản xuất. Hệ thống phân phối, bán lẻ trực tiếp tham gia vào giám sát và chia sẻ thông tin về chất lượng của sản phẩm với người tiêu dùng. Người tiêu dùng khi tham gia vào hệ thống PGS được trực tiếp thăm và tìm hiểu về sản phẩm ngay tại nơi sản xuất. Với hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng, niềm tin của người tiêu dùng vào rau an toàn trên thị trường từng bước được củng cố, giải quyết được một phần khó khăn về khả năng minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trên thị trường.
Để phát triển hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng rau an toàn, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thực hiện việc phân tích mẫu rau điển hình, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm. Ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, đánh giá kiến thức cũng như khả năng áp dụng quy trình, tiến bộ kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh của người nông dân. Nông dân mong muốn được hỗ trợ phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc đến hộ sản xuất; xây dựng và đăng kí nhãn hiệu sản phẩm cho những loại rau, củ, quả chủ lực, có lợi thế phát triển và đáp ứng yêu cầu chất lượng... Cùng với phát triển sản xuất, người tiêu dùng hãy góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển bằng cách lựa chọn những sản phẩm an toàn, chất lượng và bảo đảm vệ sinh thực phẩm.