Phát triển hệ thống logistics đồng bộ kết nối cảng biển, hàng không

Kết quả giám sát của HĐND tỉnh Đồng Nai trong thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại dịch vụ tổng hợp, trọng tâm là dịch vụ logistics cho thấy việc triển khai còn chậm, còn nhiều tồn tại.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Long Bình Tân. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Long Bình Tân. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo báo cáo giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai, lĩnh vực phát triển dịch vụ logistics và hạ tầng kinh doanh dịch vụ logistics, hiện nay Đồng Nai đã lập quy hoạch 45 cảng biển; trong đó 18 cảng đã hoạt động, 7 cảng đã có chủ trương đầu tư và 20 cảng chưa có chủ trương đầu tư. Đối với cảng cạn, trên địa bàn Đồng Nai có 9 cảng cạn được phê duyệt quy hoạch, hiện có 5 cảng đang hoạt động.

Về phương án phát triển hệ thống logistics của tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo báo cáo trên địa bàn hiện có 4 trung tâm logistics, gồm: Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Long Thành (trung tâm phía Nam và trung tâm phía Bắc), Trung tâm logistics Tổng kho trung chuyển miền Đông huyện Trảng Bom, Trung tâm logistics Khu dịch vụ hậu cần Cảng Phước An đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về hạ tầng kinh doanh dịch vụ logistics, có 3 cảng đang hoạt động theo mô hình logistics, gồm: ICD Tân Cảng - Long Bình, ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch và ICD Cảng Đồng Nai.

Qua giám sát về đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ phát triển dịch vụ logistics, Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho thấy, tỉnh đã bàn giao 98,9% mặt bằng dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành; hoàn thành thông xe tuyến chính Phan Thiết - Dầu Giây; khởi công dự án thành phần 1 và 2, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án thành phần 3 - đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh và 2 tuyến giao thông quan trọng (tuyến số 1 và tuyến số 2) kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát do bà Hoàng Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát ký, nêu rõ: Theo mục tiêu quy hoạch phát triển mạng lưới trung tâm logistic của tỉnh tại Quyết định số 4538/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 của UBND tỉnh về quy hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2030, tỉnh có 7 trung tâm logistic chuyên dụng.

Tuy nhiên đến nay, có 3 trung tâm logistics đang hoạt động, 2 trung tâm logistics được quy hoạch giai đoạn 2021-2025 nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, chưa hoàn thành; 2 dự án quy hoạch giai đoạn phát triển chưa phù hợp Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 14/9/2022 của UBND tỉnh và chậm triển khai thực hiện, nhiều lần điều chỉnh quy mô dự án.

Việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm để đảm bảo kết nối với các trung tâm logistics của tỉnh và khu vực còn chậm, chưa đáp ứng tốt nhu cầu luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ ra những hạn chế trên thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trong đó, Sở Giao thông Vận tải là cơ quan chủ trì có trách nhiệm phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương trong việc tham mưu UBND tỉnh triển khai các dự án logictics, các dự án giao thông kết nối các trung tâm logistics của tỉnh theo các kế hoạch đã ban hành.

Đồng thời, theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng năm theo quy định; phối hợp với các sở ngành liên quan và các địa phương để tiến hành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; báo cáo đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhưng chưa kịp thời, dẫn đến một số dự án giao thông kết nối các trung tâm logistics chậm triển khai thực hiện.

Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai trên cơ sở quy hoạch tỉnh được Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát các dự án dịch vụ logistics và hạ tầng kinh doanh dịch vụ logistics đã được quy hoạch, nhất là những dự án hạ tầng giao thông quan trọng để bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tập trung nguồn lực đầu tư, đảm bảo khả thi, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ, kịp thời các trung tâm logistics, các dự án cơ sở hạ tầng logistics gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng mạng lưới logistics hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; khả năng kết nối các dịch vụ tại các trung tâm logistic của tỉnh với các cảng biển, cảng hàng không, ga đường sắt và các đầu mối giao thông đường bộ, nhất là tập trung đầu tư hạ tầng kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ; từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics và thu hút nhiều loại hình logistics, đảm bảo tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ngành logistics theo yêu cầu.

Sỹ Tuyên/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-trien-he-thong-logistics-dong-bo-ket-noi-cang-bien-hang-khong/341653.html