Phát triển hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất
Nghị quyết 09/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lạng Sơn sau 5 năm triển khai vào cuộc sống đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Tại phiên họp giải trình do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức mới đây, các giải pháp quan trọng để nghị quyết này tiếp tục phát huy hiệu quả đã được chỉ rõ.
Hình thành hệ thống thủy lợi hoạt động hiệu quả, tiên tiến
Báo cáo tại phiên họp giải trình,lãnh đạo ngành nông nghiệp và Môi trường Lạng Sơn cho biết, Nghị quyết 09/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 được HĐND tỉnh ban hành với mục tiêu thúc đẩy phát triển hệ thống thủy lợi trên địa bàn, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và ứng dụng các phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Sau 5 năm triển khai nghị quyết, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 147 trên tổng số 284 danh mục công trình đăng ký, với tổng kinh phí hỗ trợ vượt qua con số 26 tỷ đồng. Trong số các công trình được hỗ trợ, 30 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bao gồm các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và các công trình kiên cố hóa kênh mương…

Lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND tỉnh nêu câu hỏi chất vấn. Nguồn: Cổng TTĐT Lạng Sơn
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nghị quyết. Những vấn đề này đã được đại diện Thường trực, các Ban HĐND tỉnh tập trung yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung đặt câu hỏi làm rõ. Trong đó, nổi lên là tiến độ triển khai ở các địa phương; hiệu quả thực tế của các công trình đã hoàn thành; cũng như những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.
Các nội dung đại biểu đề cập đã được lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan tập trung giải trình, làm rõ. Về khó khăn, được xác định do thủ tục phê duyệt còn phức tạp, việc bố trí vốn ở một số thời điểm chưa kịp thời và sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan đôi khi chưa nhịp nhàng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các mô hình tưới tiên tiến phù hợp với điều kiện địa hình, tập quán canh tác của từng vùng cũng là một thách thức.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu đề nghị, UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan cần tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai hiệu quả các nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã được xác định. Đồng thời, rà soát và tham mưu UBND tỉnh sửa đổi các quy định của nghị quyết, cũng như các hướng dẫn liên ngành, phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn. Đặc biệt, cần bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời, bảo đảm thời gian giao dự toán hằng năm theo quy định...
Thực hiện nghiêm cam kết trồng rừng thay thế
Cũng tại phiên giải trình, một nội dung quan trọng khác nhận được sự quan tâm của các đại biểu là việc thực hiện cam kết trồng rừng thay thế của các chủ dự án được giao đất, thuê đất thực hiện dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, 44 trên tổng số 53 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế, đạt tỷ lệ 83%. Tổng cộng đã có trên 126 tỷ đồng được nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó gần 62,5 tỷ đồng đã được giải ngân để thực hiện công tác trồng và chăm sóc rừng… Mặc dù vậy, toàn tỉnh vẫn còn hơn 330ha thuộc 9 dự án chưa được giao chủ đầu tư trồng rừng thay thế do thiếu đất.
Tham gia giải trình làm rõ, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan thừa nhận những khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất phù hợp; đặc biệt là ở những khu vực có mật độ dân cư cao hoặc đất đai đã được quy hoạch cho các mục đích sử dụng khác. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong rà soát, quy hoạch và giao đất đôi khi còn chậm trễ, dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế của các chủ đầu tư.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu phát biểu kết luận tại phiên họp chất vấn. Nguồn: Cổng TTĐT Lạng Sơn
Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền có giải pháp khắc phục triệt để các hạn chế. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện trồng rừng thay thế của các chủ đầu tư dự án. Cùng với đó, chính quyền cơ sở cần phối hợp chặt chẽ rà soát, tổng hợp, báo cáo diện tích đất trống thuộc quy hoạch lâm nghiệp, đủ điều kiện để tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế.
Ngoài ra, cần xem xét các giải pháp linh hoạt khác, như: cho phép các chủ đầu tư có thể thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế ở các địa phương khác trong tỉnh nếu không tìm được quỹ đất phù hợp tại khu vực dự án hoặc có cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để giải quyết vấn đề này. Mặt khác, cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo đúng quy định.