Phát triển huyện Đức Trọng trở thành thị xã

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng khóa XI vừa ban hành Nghị quyết về phát triển huyện Đức Trọng trở thành thị xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Dựa trên những điều kiện sẵn có của Đức Trọng, Tỉnh ủy cũng đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp mà Đức Trọng cần thực hiện trong lộ trình phát triển thành thị xã trong giai đoạn tới.

Một góc trung tâm huyện Đức Trọng

Một góc trung tâm huyện Đức Trọng

TIỀN ĐỀ THUẬN LỢI

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Trọng lần thứ XII, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực và mọi mặt của đời sống xã hội.

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm trên địa bàn huyện từng bước triển khai và đạt những kết quả khả quan; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt kết quả tốt, huyện Đức Trọng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; diện mạo đô thị từng bước tiệm cận với các tiêu chí đô thị loại IV. Một số kết quả có thể kể đến đó là: Thu ngân sách 5 năm đạt 4.945 tỷ đồng (đạt 121% kế hoạch), thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 87 triệu đồng (tăng 1,55 lần so với đầu nhiệm kỳ). Nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh mẽ; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản mở rộng, thu nhập bình quân đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm (tăng 50 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ)...

Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên; nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tiến bộ; các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội đảm bảo; cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,58%; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng cải thiện.

An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội giữ vững, ổn định; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến tích cực, bộ máy hành chính các cấp từng bước củng cố, tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu quả; hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở được đổi mới về nội dung, phương thức; xây dựng nhiều phong trào hoạt động thiết thực ở cơ sở, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác lập, triển khai quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển đô thị Đức Trọng chậm; đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cấp, thoát nước, thu gom xử lý rác thải,… thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chậm triển khai thực hiện một số công trình trọng điểm...

HƯỚNG ĐẾN ĐÔ THỊ THÔNG MINH, HIỆN ĐẠI

Trên cơ sở chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra quan điểm, mục tiêu phát triển huyện Đức Trọng trong thời gian tới. Theo đó, tập trung xây dựng huyện Đức Trọng trở thành đô thị thông minh, đô thị sinh thái, hiện đại và là vùng kinh tế động lực phát triển của tỉnh Lâm Đồng. Mục tiêu Nghị quyết đề ra là: Tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát triển huyện Đức Trọng thành trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính, dịch vụ và là vùng kinh tế động lực, quan trọng của tỉnh. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng Đức Trọng đến năm 2025 trở thành thị xã, đạt tiêu chí đô thị loại IV, đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III và đến năm 2045, đạt tiêu chí đô thị loại II, trở thành đô thị thông minh, sinh thái.

Để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra, trong đó, chú trọng về quy hoạch, phát triển đô thị; phát triển kinh tế và nguồn lực đầu tư để đạt tiêu chí đô thị loại III và thị xã; hoàn thiện các tiêu chí văn hóa - xã hội; Hoàn thiện các tiêu chí về bảo vệ môi trường, cây xanh; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển...

N.MINH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202112/phat-trien-huyen-duc-trong-tro-thanh-thi-xa-3092058/