Phát triển khu công nghiệp sinh thái cần sự đồng hành của doanh nghiệp

TP. Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong trên cả nước trong việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, thành phố vẫn gặp không ít rào cản trong việc hiện thực hóa mục tiêu này.

Khu công nghiệp Hòa Khánh là một trong ba khu công nghiệp tại Việt Nam được chọn thực hiện thí điểm dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”. Để trở thành khu công nghiệp sinh thái, tất cả các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong Khu công nghiệp Hòa Khánh phải đồng hành với chủ trương này, thực hiện đồng bộ các giải pháp sản xuất sạch và bảo vệ môi trường.

Từ năm 2015, Khu công nghiệp Hòa Khánh đã tham gia giai đoạn đầu tiên của dự án. Trong giai đoạn từ 2015 - 2019, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Cụ thể, dự án đã hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho nhiều doanh nghiệp, đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn. Trong số đó, 228 giải pháp đã được thực hiện, giúp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm, giảm gần 50.000 m³ nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm.

Ngoài ra, các khóa đào tạo về kiểm toán năng lượng và an toàn hóa chất đã được tổ chức, cấp chứng chỉ cho các cán bộ môi trường và kỹ thuật của doanh nghiệp. Những cán bộ này hiện vẫn áp dụng hiệu quả các nguyên tắc sản xuất sạch hơn, hạn chế phát thải trong quá trình vận hành dây chuyền sản xuất ở từng doanh nghiệp.

Từ năm 2020, Khu công nghiệp Hòa Khánh tiếp tục tham gia giai đoạn 2 của dự án với nhiều doanh nghiệp được hướng dẫn thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp. Đến nay, Khu công nghiệp Hòa Khánh được đánh giá là một trong những khu công nghiệp trọng điểm của Đà Nẵng, với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, bao gồm hệ thống giao thông, thoát nước, thu gom nước thải, cấp nước, điện chiếu sáng và hệ thống cây xanh khá hoàn chỉnh…

Việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, gắn chặt lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, là hướng đi mới và cần thiết.

Việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, gắn chặt lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, là hướng đi mới và cần thiết.

Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu, một doanh nghiệp đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, đã tham gia dự án từ năm 2016. Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty, cho biết việc đầu tư đổi mới công nghệ như tăng năng lực xử lý nước thải, đầu tư thiết bị ép và băng chuyền vận chuyển nguyên liệu... đã giúp công ty tiết kiệm đáng kể chi phí. Với 70 tấn giấy thành phẩm, công ty chỉ thải ra trung bình 1,5 tấn rác thải, chủ yếu là băng keo có thể tái sử dụng.

Đây cũng là một trong nhiều doanh nghiệp tham gia các tiêu chí RECP, vừa tiết kiệm chi phí, vừa cải thiện môi trường sản xuất.

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.066 ha. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung thêm 3 khu công nghiệp mới, gồm: Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Nhơn và Hòa Ninh, với diện tích tăng thêm 880 ha.

Theo đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, thành phố đặt mục tiêu chuyển đổi một khu công nghiệp sang mô hình sinh thái đạt tiêu chí quốc gia vào năm 2025. Khu công nghiệp Hòa Khánh đã được chọn để triển khai thí điểm chủ trương này.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi Khu công nghiệp Hòa Khánh vẫn gặp nhiều thách thức. Một số doanh nghiệp ở đây vẫn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây khó khăn trong việc hình thành mạng lưới cộng sinh công nghiệp. Ngoài ra, trình độ quản trị của các doanh nghiệp còn hạn chế, nguồn lực đầu tư cũng chưa đáp ứng đủ. Các mô hình tuần hoàn chất thải trong khu công nghiệp chủ yếu tự phát và quy mô nhỏ, chưa có cơ chế khuyến khích rõ ràng để các doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp.

Cần khuyến khích xây dựng doanh nghiệp xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn...

Cần khuyến khích xây dựng doanh nghiệp xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn...

Hướng tới khu công nghiệp sinh thái, TS. Đặng Quang Hải, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng cho rằng, cần tập trung vào 4 giải pháp: hoàn thiện thể chế, cải thiện quản trị, tăng cường hỗ trợ và nâng cao bảo vệ môi trường. Thành phố cần đề xuất các bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP, đồng thời cung cấp ưu đãi tài chính để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Trên thực tế, nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ hiện rất hạn chế, thủ tục phức tạp, chưa tạo động lực cho doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất. Cần khuyến khích xây dựng doanh nghiệp xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng tốc chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái...

Ông Hà Văn Thái, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Môi trường THALIMA cho rằng, các cơ quan chức năng cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, hình thành mạng lưới cộng sinh công nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích khi tham gia mô hình này.

Trong khi đó, theo đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu các mạng lưới cộng sinh khả thi để thí điểm, huy động các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ xanh, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Có thể nói, việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, gắn chặt lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng đi mới và cần thiết trong bối cảnh các khu công nghiệp tại Việt Nam trong đó có Đà Nẵng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phat-trien-khu-cong-nghiep-sinh-thai-can-su-dong-hanh-cua-doanh-nghiep-158710.html