Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
Giữa tháng 01/2025, tại ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, Sở Xây dựng phối hợp với Liên danh Công ty TNHH năng lượng Trí Việt và Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang tổ chức lễ khởi động Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Trà Vinh. Đây là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu và khẳng định chủ trương của tỉnh Trà Vinh phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
![Hiện nay, trên các tuyến đường giao thông thuộc các ấp, xã nông thôn mới đều được trồng hoa kiểng, tạo mỹ quan về môi trường.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_606_51429906/038bb5a38fed66b33ffc.jpg)
Hiện nay, trên các tuyến đường giao thông thuộc các ấp, xã nông thôn mới đều được trồng hoa kiểng, tạo mỹ quan về môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hoàng cho biết: những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo và xác định phương châm “Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”. Theo đó, hàng năm tỉnh đều đưa chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị và tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng với nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, những vấn đề có liên quan đến môi trường; các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các thủ tục có liên quan đến ngành, địa phương trong quản lý, giúp nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án, để Trà Vinh là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.
Hiện nay, toàn tỉnh có 02 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt do doanh nghiệp đầu tư: Nhà máy của huyện Trà Cú, công suất lò đốt 40 tấn/ngày, đêm; Nhà máy của Công ty Vina Encoorp, hiện đang xử lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Trà Vinh, công suất 48 tấn/ngày (rác đã qua phân loại); 05 lò đốt do ngân sách đầu tư tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Cầu Kè, Càng Long (tổng công suất khoảng 58 tấn/ngày, đêm). Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện trên 574 tấn/ngày (khu vực đô thị trên 183 tấn/ngày, khu vực nông thôn trên 391 tấn/ngày).
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở TN-MT, năm 2024, Sở tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 18 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp 16 giấy phép môi trường; cho ý kiến chủ trương đầu tư lĩnh vực môi trường 101 dự án; tham mưu ban hành 27 công văn hướng dẫn thủ tục về môi trường cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng ngành tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường; qua đó, phát hiện 07 vụ, việc, 07 đối tượng vi phạm về môi trường; xử phạt vi phạm hành chính 04/07 vụ, tổng số tiền 12,5 triệu đồng; chuyển ngành chức năng xử phạt vi phạm hành chính 03/07 vụ, số tiền 152,5 triệu đồng.
Với nhiệm vụ được giao, Sở TN-MT phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tăng cường năng lực và hạ tầng kỹ thuật thực hiện quản lý chất thải; tham mưu đóng 06 bãi rác, chuyển công năng 02 trạm trung chuyển; 01 nhà máy xử lý chất thải nguy hại đã ngưng hoạt động. Hiện tại đang hoạt động 10 bãi rác; 02 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tổng công suất 175 tấn/ngày); 05 lò đốt rác thải sinh hoạt, tổng công suất 58,32 tấn/ngày.
Nhằm nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cũng như các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường, về chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, Sở TN-MT tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa và rác thải đại dương (Kế hoạch số 48/KH-UBND, ngày 02/6/2023). Sở đã lắp đặt 05 trạm chứa rác thải nhựa tại UBND xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè (01 trạm); UBND xã Tân An (01 trạm), UBND xã Đại Phúc (03 trạm), cùng huyện Càng Long; các trạm được thiết kế dạng lưới để dễ dàng bỏ rác nhựa và thuận lợi cho đơn vị thực hiện thu gom và tuyên truyền. Tổ chức lồng ghép hướng dẫn cho nhân viên UBND xã thực hiện mô hình thu gom rác thải nhựa để tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân cùng tham gia.
Năm 2025, lĩnh vực môi trường được HĐND tỉnh đề ra 03 chỉ tiêu: (01) Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh: Khu vực dân cư thành thị đạt 99,5%; giữ vững 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh (trong đó nước sạch 85%). (02) Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý 99,5%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn thải sinh hoạt đô thị đạt 98,5%, nông thôn 78-80%; tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, và Quyết định số 1788/QĐ-TTg được xử lý đạt 100%. (03) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,2% diện tích tự nhiên.
Với phương châm “Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”, hàng năm tỉnh đều đưa Chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tại Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 09/01/2024 của Tỉnh ủy Trà Vinh đề ra: năm 2024, đạt tỷ lệ thu gom và xử lý lần lượt đối với khu vực đô thị là 99,7%, đối với khu vực nông thôn 83,25%.
Theo đồng chí Lê Minh Tân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng: những năm qua, triển khai Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, các ngành liên quan luôn quan tâm đến yếu tố môi trường. Qua đó, tập trung rà soát đánh giá thực trạng, đầu tư, nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị còn yếu, nhất là đô thị thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải, thị trấn Tiểu Cần, nhất là hệ thống thoát nước đô thị từng bước được đầu tư cơ bản đáp, giảm thiểu ngập úng; cảnh quan, vệ sinh môi trường đô thị được bảo đảm. Cây xanh đô thị được quan tâm trồng mới, hệ thống chiếu sáng đô thị được quan tâm đầu tư, trên 90% các tuyến đường phố chính, trên 85% các tuyến hẻm, khu nhà ở thuộc đô thị và 100% các khu công cộng, công viên, khu vui chơi đô thị được chiếu sáng.