Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc

Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa là hướng đi bền vững đã và đang được nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đồng Nai thực hiện thành công.

Chị Sou A Tah (dân tộc Chăm, ngụ ấp 4, xã Xuân Hòa) bên vườn thanh long. Ảnh: Ly Na

Chị Sou A Tah (dân tộc Chăm, ngụ ấp 4, xã Xuân Hòa) bên vườn thanh long. Ảnh: Ly Na

Từ những mô hình sản xuất hiệu quả, đồng bào các DTTS không chỉ vươn lên làm giàu, mà còn góp phần gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống qua từng việc làm cụ thể, thiết thực trong đời sống thường ngày.

Nỗ lực phát triển kinh tế

Tại ấp 5, xã Phú Tân cũ, nay là xã Phú Vinh, gia đình bà Lăng Thị Minh Ánh (dân tộc Sán Dìu) không chỉ là hộ làm kinh tế giỏi, mà còn là điểm sáng trong việc giữ gìn các giá trị truyền thống. Kinh doanh dịch vụ tổ chức tiệc cưới hỏi, liên hoan, mỗi năm, gia đình bà đạt thu nhập ổn định, đồng thời tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập khoảng 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Khi cuộc sống đã ổn định, bà Ánh luôn ý thức trách nhiệm với cộng đồng, thường xuyên tham gia hoạt động phong trào, đóng góp cho các quỹ thiện nguyện và hỗ trợ địa phương trong nhiều hoạt động xã hội. “Mình giúp được bà con thì mình vui. Đây là cách để gìn giữ tình làng nghĩa xóm, nhân lên nét văn hóa quý của người Sán Dìu” - bà Ánh chia sẻ.

Tương tự, ông Hồ Chống Khầu (dân tộc Hoa, ngụ xã Bảo Bình cũ, nay là xã Cẩm Mỹ) cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu nỗ lực phát triển kinh tế. Nhờ khai thác hiệu quả 2 hécta sầu riêng và 1 hécta mít, mỗi năm, ông thu về khoảng 450 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Khầu còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động mạnh thường quân trao học bổng, tặng quà cho con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Hay tại ấp 4, xã Xuân Hưng (cũ), nay là xã Xuân Hòa, chị Sou A Tah (dân tộc Chăm) là hình mẫu vừa giỏi làm kinh tế, vừa có tấm lòng nhân ái, đã và đang truyền động lực cho nhiều chị em phụ nữ. Bắt đầu từ việc trồng thanh long đỏ tím không bán được, chị chuyển sang giống thanh long ruột đỏ. Nhờ giá cả ổn định, chị làm ăn có lãi, mở rộng diện tích từ 6 hécta lên 10 hécta, thu nhập bình quân hàng năm lên đến 1 tỷ đồng. Từ đây, chị tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 15 lao động ở địa phương, trong đó phần lớn là phụ nữ dân tộc Chăm.

Để hỗ trợ cộng đồng người Chăm cách trồng, chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ, kết nối thương lái tiêu thụ nông sản, chị Sou A Tah cùng một số hộ dân thành lập Hợp tác xã Thanh long Làng Chăm. Với những nỗ lực không ngừng trong phát triển kinh tế và lan tỏa mô hình làm ăn hiệu quả trong cộng đồng, chị đã được trao tặng Bằng khen vì có thành tích trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp ở Đồng Nai. Ngoài ra, chị được trao nhiều giấy khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương, khẳng định vai trò tiên phong của người phụ nữ Chăm trên hành trình làm kinh tế gắn với trách nhiệm cộng đồng.

Phó giám đốc Sở Dân tộc và tôn giáo NGUYỄN ĐÌNH KIÊN cho biết: “Xác định công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ lâu dài, sau sáp nhập địa giới hành chính, sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong đồng bào DTTS về vai trò, giá trị của văn hóa dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội. Sở tiếp tục phối hợp với các ngành văn hóa và giáo dục đưa nội dung văn hóa dân tộc vào trường học tại vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ hoạt động truyền dạy, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, lễ hội, nghề thủ công truyền thống…”.

Gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống

Không chỉ giỏi làm kinh tế, nhiều hộ đồng bào DTTS tại Đồng Nai còn đặc biệt chú trọng việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Với họ, mỗi tập quán canh tác, lễ hội, ngôn ngữ, nhạc cụ hay món ăn, cách giao tiếp cộng đồng… đều là một phần không thể tách rời của đời sống, là “gốc rễ” tinh thần cần được giữ gìn và trao truyền.

Tại ấp Đức Thắng 1, xã Túc Trưng (nay là xã La Ngà), già làng Điểu Liệt đã dành gần trọn cuộc đời mình để gìn giữ tiếng đàn Chinh K’la - loại nhạc cụ truyền thống gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Chơro. Không chỉ tham gia biểu diễn phục vụ cộng đồng trong các dịp lễ hội, già còn chủ động truyền dạy cho lớp trẻ cách chế tác và sử dụng loại nhạc cụ này.

Tuổi cao, sức yếu nhưng mỗi khi có dịp giới thiệu về văn hóa Chơro, ánh mắt già làng Điểu Liệt vẫn sáng lên niềm tự hào. “Tiếng đàn là linh hồn của dân tộc. Còn giữ được tiếng đàn là còn giữ được hồn cốt của người Chơro” - già làng Điểu Liệt bộc bạch.

Ông Lâm Chơn Nam (người dân tộc Khmer, sinh sống tại xã Định Quán) cũng là một trong những cá nhân điển hình trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Ông Nam góp sức tổ chức thành công nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Chol Chnăm Thmây, Lễ hội Sene Dolta, Lễ hội Ok Om Bok và cũng là người khởi xướng, duy trì và phát triển Câu lạc bộ Nhạc ngũ âm và các điệu múa dân gian Khmer. Ngoài ra, ông phối hợp với trụ trì chùa Thái Hòa sưu tầm, gìn giữ nhiều hiện vật truyền thống, trưng bày tại nhà văn hóa dân tộc, phục vụ công tác bảo tồn và giới thiệu rộng rãi nét đẹp văn hóa Khmer đến cộng đồng.

Việc bảo tồn văn hóa không dừng lại ở các hoạt động cá nhân. Nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động lồng ghép yếu tố văn hóa dân tộc vào các chương trình phát triển kinh tế. Điển hình như xã Tà Lài đã thành lập đội văn nghệ dân tộc Mạ, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa biểu diễn trong các sự kiện, hoạt động du lịch để thu hút du khách. Các sản phẩm dệt thổ cẩm, rượu cần, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Mạ, S’tiêng, Chơro… trên địa bàn tỉnh được đầu tư phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202507/phat-trien-kinh-te-gan-voi-bao-ton-van-hoa-cac-dan-toc-cfc098b/