Phát triển kinh tế Hợp tác xã trong đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã dành nhiều nguồn lực phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) nhằm giúp đồng bào DTTS khai thác tiềm năng, lợi thế, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, tỉnh Bắc Giang chú trọng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, coi đây làm bàn đạp để thúc đẩy phát triển các HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Để phát triển các mô hình HTX, tỉnh Bắc Giang đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách cụ thể để hỗ trợ. Trong đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động kế toán, kiểm toán trong các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; sắp xếp lại tổ chức Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh; thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX.
Để triển khai thực hiện nội dung trên, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã tích cực phối hợp với các đơn vị, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp như hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động, vay vốn với lãi suất ưu đãi; tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại cho các HTX, liên hiệp HTX; xây dựng, phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Vì vậy, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Giang dành gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Với sự hỗ trợ kịp thời, nhiều HTX tại tỉnh Bắc Giang đã được thành lập mới, hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu như: HTX Yên Sơn, huyện Sơn Động được thành lập với 7 thành viên là những hộ đồng bào DTTS tham gia ươm giống cây trên địa bàn xã. Sau khi thành lập, thành viên HTX thường xuyên trao đổi kỹ thuật, chia sẻ khách hàng để cùng phát triển.
Để phát triển kinh tế HTX tại Bắc Giang trong thời gian tới, một trong những giải pháp được tỉnh quan tâm đẩy mạnh đó là việc ứng dụng công nghệ số làm bàn đạp cho sự phát triển. Để thực hiện các nội dung trên, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025". Đồng thời, tỉnh Bắc Giang đã bố trí 2,7 tỷ đồng để xây dựng ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, cài đặt trên thiết bị thông minh; thực hiện hỗ trợ, phát triển các mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, 5 mô hình khởi nghiệp HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Để hỗ trợ các HTX đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, theo ông Trần Quang Hùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trên cơ sở trang thương mại điện tử của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang sẽ bố trí kinh phí để trang bị các thiết bị vận hành và phục vụ hỗ trợ HTX tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, bố trí cán bộ hỗ trợ các HTX thiết kế nhãn mác, nhãn hiệu, thương hiệu, xử lý ảnh sản phẩm trước khi đưa lên chợ sản phẩm trực tuyến… qua đó, thúc đẩy kinh tế hợp tác xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh phát triển.