Phát triển kinh tế nhà nước ở Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới
Doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực như điện lực, xăng dầu, dầu khí, viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng.
“Thực trạng phát triển kinh tế nhà nước ở Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới" là chủ đề của Hội thảo do Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 10/7, tại Hà Nội với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại biểu từ các cơ quan Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề nổi bật trong sự phát triển của kinh tế nhà nước từ năm 1986 đến nay; đưa ra các quan điểm, giải pháp phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá và đưa ra giải pháp phát triển kinh tế nhà nước.
Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn cho biết kinh tế nhà nước bao gồm doanh nghiệp nhà nước, tài nguyên quốc gia, đất đai, ngân sách và vốn nhà nước trong doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã, đóng vai trò quan trọng trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Qua 40 năm đổi mới, kinh tế nhà nước đã phát triển mạnh, đóng góp lớn vào xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực như điện lực, xăng dầu, dầu khí, viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng.
Tuy nhiên, hoạt động của kinh tế nhà nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực cạnh tranh chưa cao.
Theo Tiến sỹ Phạm Sỹ An, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trải qua nhiều năm đổi mới, kinh tế nhà nước đã không ngừng phát triển, trở thành yếu tố cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần to lớn vào xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp nhà nước cung cấp khoảng 87% sản lượng điện, hơn 84% thị phần bán lẻ xăng dầu, 100% thị phần khí thô và 70% thị phần khí hóa lỏng (LNG), đáp ứng 70% nhu cầu xăng dầu và 70-75% nhu cầu phân đạm.
Đồng thời, doanh nghiệp nhà nước cũng đóng vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng như viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng...
Tiến sỹ Vũ Hoàng Đạt, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng Việt Nam đã có bước tiến dài trong việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Quy mô khu vực này đã thu hẹp đúng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm, nhưng quy mô tuyệt đối tính theo doanh thu không giảm. Doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất các sản phẩm thiết yếu như viễn thông, năng lượng, phân bón, hóa chất và hạ tầng tài chính.
Tiến sỹ Vũ Hoàng Đạt cũng cho biết thêm xét về khía cạnh tài chính, các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp tư nhân trong nước và ngoài nước.
Điều này có thể do quản lý tài sản tốt hơn, quá trình sắp xếp đổi mới chọn lọc ra những doanh nghiệp tốt, sự hiện diện trong các ngành có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí, viễn thông, tài chính-ngân hàng.
Quy mô doanh nghiệp nhà nước không quá khác biệt với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; theo đó, các doanh nghiệp nhà nước không quá bất lợi trong cạnh tranh nếu xét theo quy mô.
Trong một số ngành, các doanh nghiệp nhà nước có mức độ trang bị vốn cao hơn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cùng ngành. Mặc dù kinh tế nhà nước còn nhiều thách thức, nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng và có những tiềm năng lớn để phát triển hơn nữa trong tương lai./.