Phát triển kinh tế sáng tạo, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế
Đổi mới tư duy và cách làm để 'sáng tạo' những không gian mới làm động lực cho tăng trưởng kinh tế là nhận định của các đại biểu tại hội thảo công bố 'Báo cáo nghiên cứu Phát triển kinh tế sáng tạo: xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam'.
Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) phối hợp tổ chức sáng nay (26/4) tại Hà Nội.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng. Tuy nhiên cũng đang phải đối diện với những rủi ro, thách thức liên quan đến chất lượng, mức độ bền vững của tăng trưởng như: tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng nguồn lực đầu vào các ngành thâm dụng lao động và tài nguyên; đóng góp của các nhân tố gắn trực tiếp với cải thiện chất lượng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo còn chưa tương xứng với kỳ vọng...
Nhận định về thực trạng, cơ hội, thách thức cũng như yêu cầu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, cơ sở dữ liệu và hợp tác với các đối tác quốc tế trong phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam các đại biểu cho rằng, kinh nghiệm phát triển kinh tế sáng tạo của các nước trên thế giới là bài học hữu ích cho Việt Nam trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dẫn chứng phát triển kinh tế sáng tạo của một số quốc gia trên thế giới trong đó có lĩnh vực văn hóa, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Đây là mô hình kinh tế rất đáng nghiên cứu ở Việt Nam. Thay vì kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế ban đêm có thể dùng thuật ngữ chung là kinh tế sáng tạo sẽ bao trùm được tất cả, đồng thời với khái niệm sáng tạo này còn gợi mở thêm đối với các mô hình kinh tế khác. Trong báo cáo này còn gắn sáng tạo với văn hóa. Quan trọng nhất vẫn là đổi mới tư duy và nhận thức, rất cần có hệ thống quản trị cho phù hợp với mô hình này”.
Theo Báo cáo nghiên cứu Phát triển kinh tế sáng tạo, các điểm mạnh trong phát triển kinh tế sáng tạo của Việt Nam bao gồm: di sản văn hóa phong phú và đa dạng; dân số trẻ, năng động và thành thạo công nghệ; những thay đổi chính sách tích cực đối với các mô hình kinh tế mới. Các điểm yếu là những hạn chế cố hữu về nguồn vốn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sáng tạo truyền thống; thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến kinh tế sáng tạo ở không ít nhóm chủ thể sáng tạo; những bất cập về kết cấu hạ tầng “cứng” và “mềm” cho phát triển kinh tế sáng tạo. Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị như: Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo, gắn với tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo.
Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số; tăng cường phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng; thúc đẩy hợp tác và kết nối; tiếp tục phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam và tăng cường tính bền vững và trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp liên quan tới sáng tạo. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới việc xây dựng và triển khai hiệu quả một Chiến lược quốc gia về kinh tế sáng tạo.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đây là báo cáo đầu tiên đưa ra cách tiếp cận toàn diện, gắn cơ sở khoa học với kinh nghiệm quốc tế và cách tư duy chính sách thực tiễn nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam.
“Phát triển các mô hình kinh tế mới không chỉ dựa vào công nghệ mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được nhắc đến mà quan trọng nhất là xuất phát từ sự chủ động sáng tạo của các chủ thể khi tiếp cận các ngành nghề, các thị trường, các khách hàng truyền thống. Đây chính là không gian “vô tận” trong bối cảnh các nguồn lực về tài nguyên là “hữu hạn”” và những sáng tạo trí tuệ của con người Việt Nam là tài nguyên “vô tận” để có thể khai thác được các ý tưởng cho các mô hình tăng trưởng kinh tế trong thời gian sắp tới” - bà Trần Thị Hồng Minh nói.