Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã - những chuyển biến tích cực tại Bắc Kạn

Kinh tế tập thể với nòng cốt là tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã… đã và đang là thành phần kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho người lao động, góp phần làm giảm sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội bởi được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.

 Lãnh đạo Trung ương và địa phương thăm hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX Thiên An (Bạch Thông). Ảnh tư liệu

Lãnh đạo Trung ương và địa phương thăm hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX Thiên An (Bạch Thông). Ảnh tư liệu

Nhận thức tầm quan trọng của kinh tế tập thể, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, ngày 22/4/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Nghị quyết số 10/NQ-TU về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 24/3/2020 về nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Theo đó Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành các chính sách, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhân dân thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể. Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đã hỗ trợ, đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý của hơn 300 hợp tác xã, thành viên hợp tác xã; hỗ trợ 26 doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển giao khoa học công nghệ; 72 hợp tác xã tham gia làm chủ trì liên kết cho 102 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh và 34 hợp tác xã làm chủ trì liên kết dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của hơn 100 hợp tác xã tham gia hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa tại các địa phương như Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nội và tỉnh Hòa Bình...

Từ việc nắm bắt những hạn chế trong thực hiện thủ tục thành lập và quản lý của các chủ thể trong hợp tác xã, tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương chủ động triển khai công tác phối hợp, hướng dẫn thủ tục đăng ký hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai, môi trường, cải cách hành chính và thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hợp tác xã thực hiện dự án đầu tư. Hằng năm, các cấp trong tỉnh đều tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo địa phương với các hợp tác xã để kịp thời thăm nắm tình hình hoạt động và chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã.

Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn cùng sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Tính đến tháng 5/2025, toàn tỉnh có 672 tổ hợp tác, với 7.750 thành viên; 459 hợp tác xã (340 hợp tác xã nông nghiệp, 119 hợp tác xã phi nông nghiệp), với 5.552 thành viên; 02 Liên hiệp hợp tác xã, có tổng số thành viên là 18 hợp tác xã. Các hợp tác xã đã mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên, người lao động, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa chủ trương xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.

Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hợp tác xã hoạt động yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình; việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; số lượng thành viên hợp tác xã có cải thiện nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm tạo ra có sức cạnh tranh thấp.

Thực tế cho thấy kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Do vậy trong thời gian tới tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhất là những người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã phát triển mạnh mẽ; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường cho sản phẩm của các tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã; khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Cùng với đó, tỉnh sẽ chỉ đạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến, mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm cũng như kịp thời phát hiện, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trong quá trình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới./.

Lưu Ngọc Trung, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bắc Kạn

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-nhung-chuyen-bien-tich-cuc-tai-bac-kan-post70925.html