Phát triển kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao ở Đà Nẵng
TP. Đà Nẵng có 119 Hợp tác xã với gần 9500 thành viên tham gia. Mô hình kinh tế tập thể, HTX đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế địa phương.
Ngày đầu thành lập vào năm 2012, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng chỉ có 22 thành viên tham gia sản xuất với diện tích 2ha. Cán bộ HTX chủ yếu kiêm nhiệm, làm việc không hưởng lương.
Thực hiện Luật HTX mới, năm 2016, HTX này đã tiến hành chuyển đổi, tập trung thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho thành viên như: làm đất, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, ký kết tiêu thụ sản phẩm... Đến nay, HTX rau Túy Loan đã có cả chục ha rau an toàn, cả ngàn cây cau, cây ăn quả, hướng đến mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Trụ sở HTX xây mới khang trang, cán bộ HTX được ký hợp đồng dài hạn, bảo đảm các quyền lợi của người lao động.
Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan cho biết, từ chính quyền thành phố đến các sở ngành đều quan tâm hỗ trợ cho HTX từ đầu tư xây dựng hạ tầng kênh mương đến cây, con giống.
“Thành phố đã đầu tư cơ sở hạ tầng, đường, trường, các hạng mục để phát triển cây rau an toàn. Vốn đầu tư của thành phố là trên 14 tỷ đồng cho HTX rau Túy Loan. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để chứng nhận rau an toàn, rau VIETGAP để cung cấp cho thành phố”, ông Dũng nói.
Xác định trong lĩnh vực nông nghiệp là chủ trương lớn của Đảng, TP. Đà Nẵng đã chú trọng củng cố các HTX nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập của các cá nhân và thành phần tham gia. Thành phố đã hỗ trợ các HTX thực hiện cơ giới hóa, nâng cao kỹ thuật chế biến, bảo quản sản phẩm; Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất cho các HTX như: sân phơi, hệ thống sấy... giúp các HTX nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng cao.
Theo ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, kết quả nổi bật là các HTX đã liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa hữu cơ; Liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
“Để thực hiện các mô hình HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, thành phố đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện Quyết định, Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Đồng thời tập trung hỗ trợ các HTX trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm mới”, ông Hoàng Thanh Hòa cho hay.
Lâu nay, khó khăn nhất của các HTX, Tổ hợp tác, làng nghề là phát triển thị trường và tăng sức cạnh tranh. Sở Công thương TP Đà Nẵng đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ các HTX, cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương. Hàng năm, Sở Công thương TP Đà Nẵng hỗ trợ một nửa chi phí trong việc tổ chức gian hàng cho 30 lượt HTX tham gia các Hội chợ trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết, Sở tích cực giới thiệu các sản phẩm của các HTX vào siêu thị, hỗ trợ các HTX gặp gỡ các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác để tìm kiếm đối tác: “Từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương TP Đà Nẵng đã hỗ trợ các HTX thiết kế bao bì, tư vấn các giải pháp đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu độc quyền cho 26 lượt HTX. Bên cạnh đó, hỗ trợ 9 HTX xây dựng Website thương mại điện tử, tạo điều kiện cho các HTX tham gia gian hàng trên sàn thương mại điện tử của thành phố Đà Nẵng”.
Trong 15 năm qua, thành phố Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách có tính đột phá để hỗ trợ hợp tác xã phát triển. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố đầu tư hơn 70 tỷ đồng thực hiện các chương trình hỗ trợ HTX ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; thành lập “Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã” với vốn điều lệ 6 tỷ đồng cho hàng chục lượt HTX vay đầu tư phát triển sản xuất. Đà Nẵng cũng thực hiện chủ trương giao đất không thu tiền sử dụng và không thu lệ phí trước bạ đối với diện tích đất dùng cho việc xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi của các HTX.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế tập thể ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn. Năng lực, quy mô của các HTX còn nhỏ, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý còn yếu. Nhiều HTX vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Phần lớn các HTX nông nghiệp chưa chủ động tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX chưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chỉ tập trung duy trì các dịch vụ đầu vào có sẵn, dễ làm.
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, từ thực tế đó, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 13, Khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao kinh tế tập thể”.
“Nghiên cứu tham mưu các hình thức hỗ trợ có tính khả thi và phù hợp hơn nhằm phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế tập thể; Tổ chức đánh giá, thống kê sự đóng góp của kinh tế tập thể đối với kinh tế thành phố; Xây dựng kế hoạch tiếp tục củng cố đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, tập trung xây dựng quan hệ hợp tác hiệu quả, nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, HTX đã thành công. Và việc thành lập các HTX trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, ông Võ Công Trí chia sẻ.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 sẽ vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển khoảng 100 tổ hợp tác, 150 Hợp tác xã, 100% xã phường có Hợp tác xã, gắn với chương trình mỗi xã phường, mỗi sản phẩm, phục vụ đời sống dân cư trên địa bàn./.