Phát triển kinh tế từ cải tạo vườn tạp

Năm 2018, tỉnh Kon Tum triển khai mô hình cải tạo vườn tạp, vận động người dân tận dụng đất trống để phát triển kinh tế. Chị Phạm Thị Thủy, thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai đã quyết định thử sức với mô hình trồng cau, loại cây ít tốn công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Thủy bên vườn cau của gia đình.

Chị Thủy bên vườn cau của gia đình.

NHỮNG năm trước đây, gia đình chị Thủy sống nhờ nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Sê San. Công việc vất vả nhưng nguồn thu nhập lại không ổn định. Thuận lợi thì cũng được khá, nhưng gặp mưa bão hay giá cả bấp bênh lại khó khăn. Mỗi ngày, chị Thủy cùng chồng thả lưới, thu hoạch cá lăng, cá chạch để cung cấp cho các nhà hàng. Đối với những mẻ cá lóc tươi chị sơ chế, phơi khô bán cho khách; còn có cá cơm nhỏ tận dụng làm bánh tráng cá, một đặc sản của vùng này. Khi được cán bộ địa phương đến vận động cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế hộ gia đình, chị Thủy mạnh dạn cải tạo khoảnh vườn của mình, chuyển sang trồng cau. Nhờ sự kiên trì và tư duy linh hoạt, chị đã thành công trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên xây dựng cuộc sống. “Ban đầu tôi cũng băn khoăn lắm, nhưng sau khi tham khảo các mô hình thành công ở địa phương, tôi quyết định bắt tay vào làm. Trồng cau cần thời gian để cây phát triển nhưng khi đã cho trái thì nguồn thu khá ổn định”, chị Thủy tâm sự.

Với sự hỗ trợ về kỹ thuật từ cán bộ nông nghiệp xã, chị Thủy dần nắm bắt được cách chăm sóc cau. Vợ chồng chị bỏ nhiều công sức cải tạo đất, chọn giống phù hợp và thường xuyên tưới nước, bón phân để cây phát triển tốt. Sau nhiều năm chăm sóc, vườn cau của chị bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay, gia đình chị có khoảng 400 cây cau trưởng thành, mỗi cây cho từ 5-6 buồng mỗi vụ. Nhờ giá cau luôn ở mức ổn định, mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng.

Không dừng lại ở việc trồng cau, chị Thủy còn tìm cách tối ưu hóa diện tích đất canh tác. Những khoảng trống giữa các hàng cau được tận dụng để trồng thêm một số loại cây ngắn ngày như rau muống, mồng tơi, đậu bắp…, vừa tạo nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, vừa có thể bán ra chợ kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, chị còn đầu tư chăn nuôi theo hướng tận dụng nguồn thức ăn sẵn có. Những phụ phẩm từ nghề cá như đầu, xương, vây… được dùng làm thức ăn chăn nuôi gà, ngan. Nhờ vậy, đàn gia cầm của chị phát triển tốt mà không tốn nhiều chi phí thức ăn công nghiệp. Mô hình được triển khai ở gia đình chị đã chứng minh hiệu quả và lan tỏa đến các hộ dân chung quanh, nhiều người trong thôn đã tìm đến để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào vườn nhà mình.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Tơi Lê Văn Bình, mô hình cải tạo vườn tạp của gia đình chị Thủy là một trong những điển hình tiêu biểu của địa phương. Xã luôn khuyến khích người dân tận dụng đất vườn để trồng cây có giá trị kinh tế cao, kết hợp chăn nuôi theo hướng bền vững. Chị Thủy là một minh chứng rõ ràng cho việc chuyển đổi mô hình sản xuất thành công, giúp nâng cao đời sống gia đình và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

LẠC THỦY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-kinh-te-tu-cai-tao-vuon-tap-post871220.html