Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là bước đi tất yếu

Tư duy tuần hoàn không chỉ mang đến lợi ích kinh tế, đem lại thu nhập tăng thêm cho người nông dân, mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại.

Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cơ quan liên quan tổ chức. (Ảnh: Diễn Tú)

Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cơ quan liên quan tổ chức. (Ảnh: Diễn Tú)

Chiều 16/7, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2025: “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”, tại Hà Nội.

Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, mô hình nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu, là “cú huých” để ngành nông nghiệp chuyển mình theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững hơn.

Triển khai các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành nông nghiệp hiện đang áp dụng các giải pháp chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, chuyển từ tư duy kinh tế tuyến tính sang tư duy kinh tế tuần hoàn với mục tiêu nông nghiệp xanh, môi trường xanh trong nền kinh tế xanh.

Tư duy kinh tế tuần hoàn không chỉ là một chiến lược sản xuất nông nghiệp, mà còn là một triết lý quản lý tối ưu hóa tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Với mục tiêu giảm thiểu lãng phí và tối đa hóa giá trị các nguồn lực đa dạng, tư duy tuần hoàn không chỉ mang đến lợi ích kinh tế, đem lại thu nhập tăng thêm cho người nông dân, mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Diễn đàn. (Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Diễn đàn. (Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

Theo ông Hoàng Quang Phòng, mô hình truyền thống “khai thác – sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ” đang làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn hướng đến “giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế”, giúp tiết kiệm đầu vào, tận dụng phụ phẩm, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đang gặp nhiều rào cản như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khó tiếp cận đất đai, tín dụng, công nghệ và sự hạn chế trong tư duy canh tác.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VCAC) cho rằng, thời gian qua đã có một số doanh nghiệp và người dân áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm tối ưu hóa các quy trình sản xuất như: ứng dụng chế phẩm vi sinh để sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ và chất thải chăn nuôi góp phần giảm chi phí giá thành phân bón, sử dụng trong sản xuất tạo ra các dòng sản phẩm lúa gạo hữu cơ sạch và an toàn, tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất đại trà.

Các ứng dụng này đã góp phần gia tăng thu nhập từ sản xuất lúa gạo khoảng 15% so với mô hình sản xuất tuyến tính. Bên cạnh đó là các mô hình chăn nuôi trâu, bò thịt tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thực hiện ở các tỉnh như: Phú Thọ, Hưng Yên, Lào Cai...

Dù vậy việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn gặp khó khăn, như: chưa có chính sách riêng cho mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; khó khăn tiếp cận vốn và công nghệ; doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ điều kiện đầu tư công nghệ tái chế, xử lý chất thải; thiếu liên kết vùng và chuỗi giá trị; doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ, thiếu hợp tác với nông dân và các bên liên quan...

Tìm hướng đi cho nông nghiệp tuần hoàn

Từ những hạn chế, vướng mắc, tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng cùng trao đổi, gỡ vướng và tìm hướng đi cho nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng nếu nông dân sẵn sàng, doanh nghiệp vào cuộc thì chính quyền các địa phương phải là người dẫn dắt, định hướng, xây dựng chính sách, hỗ trợ nguồn lực, tạo động lực để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, nền tảng hỗ trợ đầu tiên cần có là khung pháp lý hoàn thiện hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiếp cận đất đai, vốn thuận lợi hơn, khuyến khích nông hộ chuyển đổi theo mô hình bền vững này.

Đồng thời, nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, đây là mô hình cho vay liên kết theo hợp đồng 3 bên giữa: Ngân hàng - doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết thu mua nông sản – hợp tác xã, nông dân.

"Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn những chính sách hiện nay để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn. Và quan trọng hơn hết, cần có giải pháp dài hạn là đưa doanh nghiệp đến với nông dân cùng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Để hiện thực hóa được khát vọng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, cần nhìn nhận đúng, nâng cao và phát huy được vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân đối với ngành nông nghiệp", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Diễn Tú)

Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Diễn Tú)

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông kiến nghị, cần xây dựng cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng xanh cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch và năng lượng tái tạo.

Theo đó, áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án đầu tư vào công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ, hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải; xây dựng quỹ tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi và thủ tục tiếp cận đơn giản hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp sạch; thành lập trung tâm tư vấn chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp nông nghiệp.

Đặc biệt, tăng cường cơ chế liên kết “ba nhà”: Doanh nghiệp-Nhà khoa học-Nhà nông. Trong đó, ưu tiên phân bổ nguồn vốn nghiên cứu khoa học cho các dự án có tính ứng dụng cao trong nông nghiệp tuần hoàn với sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp; tổ chức diễn đàn chuyên đề định kỳ tại các vùng sản xuất trọng điểm, nơi doanh nghiệp và người nông dân được trực tiếp trao đổi với các nhà khoa học và nhà quản lý về mô hình mới, giống mới, quy trình sản xuất xanh; có chính sách thí điểm cho các mô hình “hợp tác xã-doanh nghiệp đồng hành-viện nghiên cứu hỗ trợ”, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, nhà khoa học cung cấp giải pháp, nông dân là trung tâm thực hành.

Còn ông Hà Văn Thắng kiến nghị hình thành hệ sinh thái chính sách đồng bộ, từ tín dụng ưu đãi, hạ tầng vùng sản xuất, tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc đến cơ chế thử nghiệm linh hoạt cho các sáng kiến đổi mới sáng tạo. Đồng thời, chương trình khuyến nông cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ xử lý phụ phẩm như vỏ trấu, thân cây, rơm rạ để nông dân dễ áp dụng và tăng giá trị ngay tại đồng ruộng.

Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: xác định thị trường đầu ra cho sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào kinh tế tuần hoàn; tăng cường học hỏi kinh nghiệm và hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế tuần hoàn…

Diễn Tú

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-trong-nong-nghiep-la-buoc-di-tat-yeu-321250.html