Phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ: Phát huy vai trò các đô thị lớn
Vùng Đông Nam bộ gồm TPHCM và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia.
Vì vậy phát triển hiệu quả các đô thị lớn trong vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực là một vấn đề quan trọng, góp phần phát triển toàn diện Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế.
Là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước.
Tp. Hồ Chí Minh đóng vai trò đô thị trung tâm, đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, có động lực và sức thu hút, lan tỏa cho toàn vùng và cả nước. Theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, đến năm 2025 dự kiến Đông Nam bộ sẽ tăng thêm 10 đô thị, đến năm 2030 tăng thêm 20 đô thị và nhiều đô thị tiếp tục hoàn thiện chất lượng đô thị để nâng loại đô thị trong giai đoạn tới.
Đề cập giải pháp phát triển đô thị Đông Nam bộ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, quy hoạch Vùng Đông Nam bộ, hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia cũng như quy hoạch tỉnh, đô thị là cơ sở quan trọng để thực hiện điều phối, liên kết phát triển vùng. Do đó, cần bám sát định hướng phát triển Vùng Đông Nam bộ với mô hình tập trung đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng trong phát triển vùng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Cùng đó, cần phát huy vai trò của vùng đô thị lớn, đô thị lớn, trục hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, hình thành các cực tăng trưởng quốc gia có tính cạnh tranh quốc tế, kết nối thuận lợi với những đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới; phát triển bền vững về môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng. Các ngành,địa phương cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên, ưu tiên hình thành vùng không gian xanh. Đồng thời, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và công trình hạ tầng cấp vùng, trọng tâm là hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và cực tăng trưởng - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề mục tiêu đến năm 2030: Thành phố trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước.
Vì vậy, đô thị Thành phố Hồ Chí Minh phát triển theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị. Thành phố tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; kết hợp đồng bộ giữa cải tạo, chỉnh trang với phát triển mới, bảo đảm kiến trúc hài hòa; tổ chức lại đời sống dân cư nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống trong quá trình cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị.
Hiện nay, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn hoàn thành nội dung quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (quy hoạch kinh tế - xã hội) trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào cuối năm 2023, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào đầu tháng 3/2024.
Đề cập giải pháp tăng cường kết nối để phát huy lợi thế cả các đô thị ở Đông Nam bộ; trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, Phó giáo sư Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển và cộng sự cho rằng, mỗi vùng liên kết đô thị không còn gói gọn trong một địa phương, một đơn vị hành chính nào mà nó là nơi hội tụ của những điều kiện có thể giúp cho vùng đó phát triển.
Khi liên kết với nhau, những gì mà các đô thị sở hữu đều được kết nối đồng bộ trở thành một khối có sức mạnh tổng hợp trong nhiều lĩnh vực từ hạ tầng cơ sở vật chất đến kinh tế - xã hội, văn hóa. Các đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai có sự chia sẻ về hạ tầng, giao thông, cảnh quan, môi trường... Điều này cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề chung như tắc nghẽn giao thông, cơ sở hạ tầng quá tải, ô nhiễm môi trường, mà chỉ khi địa phương liên kết lại với nhau thì mới có thể giải quyết được, từ đó phát hiệu quả hơn lợi thế của các đô thị được hiệu quả,.
Cùng quan quan tâm giải pháp liên kết phát triển kinh tế khu vực đô thị tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai, Tiến sỹ Lê Vy Hảo - Trường Đại học Thủ Dầu Một phân tích, hầu hết các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đều tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp; trong đó, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh là 4 trung tâm lớn, hợp thành "Tứ giác kinh tế" - nơi tập trung khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trung tâm sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra, Đông Nam bộ còn phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics...
Hiện việc liên kết kinh tế giữa các đô thị tiếp giáp này ngày càng cấp bách hơn. Các đô thị riêng lẻ thường có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội như thiếu tài nguyên, không đủ dân số và cơ sở hạ tầng không đồng bộ. Liên kết vùng cung cấp khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu kinh tế - xã hội của dân cư. Nếu đô thị này có thế mạnh, có thể bù đắp cho những thiếu sót của các đô thị trong vùng, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của vùng.
Cùng đó, liên kết kinh tế giúp các đô thị có thể hình thành các cực tăng trưởng mới, để tạo động lực phát triển cho khu vực. Các cực tăng trưởng mới sẽ tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp, người lao động đến làm việc, giảm áp lực trên vùng lõi.
Đối với giải pháp phát triển hạ tầng, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, để phát huy lợi thế, đối với giải pháp đầu đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, quản lý đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cần tăng cường kết nối dữ liệu số về quy hoạch đô thị, sử dụng đất đai, quản lý phát triển đô thị nhằm đẩy mạnh hợp tác, phát triển, hỗ trợ xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đô thị vùng Đông Nam bộ, thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh vùng Đông Nam bộ.
Đồng thời, chú trọng đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật đầu mối, cấp nước, xử lý nước, rác thải liên vùng theo quy hoạch vùng; đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống giao thông công cộng đồng bộ. Tại các đô thị cấp tỉnh, tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị về hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị của đô thị loại III trở lên nhằm chia sẻ chức năng cấp vùng với Thành phố Hồ Chí Minh./.