Phát triển kinh tế vườn định hướng phát triển du lịch

Những năm gần đây, dâu tằm - loại trái cây vốn được biết chỉ phổ biến ở Đà Lạt - đã bén rễ trên đất An Giang ngày càng rộng. Nhiều người dân quan tâm đã tìm hiểu, trồng thử nghiệm rồi quyết định chọn dâu tằm làm 'cây kinh tế' phù hợp với điều kiện gia đình. Ở xã Thới Sơn (huyện Tịnh Biên), vườn dâu tằm của anh Phan Văn Trực không chỉ được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định, mà nhờ vị trí thuận lợi, nơi đây còn có tiềm năng là điểm đến tham quan cho khách du lịch (DL).

Trái dâu tằm

Khởi đầu từ 15 cây dâu tằm giống, để hình thành nên cả vườn dâu ngày hôm nay, với anh Trực là một hành trình kiên nhẫn. Anh Trực cho biết, gia đình có khoảng 7 công đất, chuyên trồng xoài và dừa. Tuy nhiên, sau nhiều năm vẫn không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn, bởi cây không hợp thổ nhưỡng, năng suất thấp.

Trong lần đến thăm vườn dâu tằm ở xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), anh Trực để ý dâu tằm ở nơi đây phát triển khá tốt, nghĩ bụng nếu đem về vườn nhà trồng cũng có thể phù hợp. Không phụ mong mỏi của anh Trực, số cây giống trồng thử phát triển ổn định, cho trái to, vị ngọt thanh rất ngon.

Tín hiệu bước đầu đáng phấn khởi, anh Trực tự nhân giống để tăng dần số lượng, theo thời gian cây dâu tằm thay thế các loại cây ăn trái còn lại. Hiện nay, vườn dâu tằm khoảng 1.000 gốc đã đủ khỏe và vào giai đoạn cho khai thác trái thường xuyên. Thích nghi với vùng đất núi, dâu tằm cho thu hoạch 2 vụ trái/năm, tạo ra nguồn thu cho gia đình. Trái dâu tằm được thu hoạch bán tươi với giá 50.000 đồng/kg, ngoài ra còn tận dụng chế biến nước cốt để bảo quản được lâu hơn.

“Loại cây này có sức sống mạnh mẽ, hợp với thổ nhưỡng bản địa. Mùa mưa là thời điểm cây sinh trưởng tốt nhất và kết trái, còn mùa nắng là lúc cây suy yếu, cần cho nghỉ ngơi để dưỡng khỏe vào vụ kế tiếp. Cây trồng này không tốn nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, sinh trưởng và chất lượng trái không thua kém những nơi khác” - anh Trực cho biết.

Thay vì áp dụng các biện pháp can thiệp để khai thác cây cho trái tối đa quanh năm, khi nắm rõ đặc điểm sinh trưởng, anh Trực để cho cây phát triển một cách tự nhiên nhằm duy trì vườn lâu dài. Bởi theo anh lý giải, xử lý để “ăn” trái vụ cũng không được là bao, giá bán chỉ chênh lệch chút đỉnh so với chính vụ, thà nuôi dưỡng cây khỏe thuận theo tự nhiên để có thể khai thác trong nhiều năm.

Một số nông dân khác còn có kỹ thuật xử lý cây trong vườn thành “lứa” khác nhau để cho thu hoạch theo thời điểm mong muốn, mục đích là để có trái quanh năm. Kỹ thuật này rất khó và đầu tư thời gian, trong khi anh Trực chỉ xem dâu tằm là kinh tế phụ.

Đến nay, vườn dâu tằm của hộ anh Phan Văn Trực đã bám rễ trên vùng đất núi được 5 năm, cho năng suất 200-300kg/công. Khách hàng mua trái tươi có thể ăn ngay, hoặc chế biến thành các món đồ uống, như: Siro, sinh tố, rượu… theo ý thích. Ngoài mua trái tươi, nếu có nhu cầu, khách còn được vào vườn tự do tham quan, tận hưởng không khí trong lành, thưởng thức nước uống dâu tằm nguyên chất tại chỗ.

Được thị trường đón nhận, anh Trực nghĩ tới chuyện làm nhãn hiệu, nâng cao giá trị các sản phẩm làm từ trái dâu tằm tươi. Tuy nhiên, hiện nay, sản lượng dâu sản xuất còn khiêm tốn. Do lượng trái chưa nhiều, mỗi vụ thu hoạch chỉ ngâm nước cốt dâu được từ 100-200 lít. Trước mắt, gia đình tập trung nâng cấp vườn, cùng với sự hỗ trợ của địa phương để cải thiện không gian nhằm thu hút khách đến tham quan nhiều hơn.

Trong các tuyến tham quan DL ở huyện Tịnh Biên, vườn dâu tằm của anh Trực được kết nối trên trục đường miễu Bàu Mướp (ấp Đông Thuận, xã Thới Sơn) thuộc các trục chính cụm tham quan: Nhà Bàng - Thới Sơn - An Phú - An Cư. Nhờ vị trí thuận lợi trên, vườn dâu tằm của anh là một trong số điểm vườn trên địa bàn huyện được chú ý, có hướng đầu tư nhằm phục vụ phát triển DL.

Năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên hỗ trợ hộ anh Trực vốn 200 triệu đồng từ nguồn phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn vốn này, gia đình đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, pin năng lượng mặt trời phục vụ điện cho sản xuất tại vườn. Bên cạnh đó, còn xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, thiết kế kết hợp các kệ trưng bày sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đặc trưng của huyện, lắp biển hiệu vườn DL thu hút du khách đến tham quan.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-kinh-te-vuon-dinh-huong-phat-trien-du-lich-a328959.html