Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (MTQG 1719) cùng các chính sách hỗ trợ hạ tầng thiết yếu, đã giúp đồng bào DTTS trong tỉnh Sơn La tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tổng vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 của tỉnh Sơn La là hơn 8.713 tỷ đồng. Sau hơn 3 năm triển khai, tỉnh Sơn La đã giải ngân được 417 tỷ đồng, từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào DTTS; xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ. Bên cạnh đó, tỉnh còn tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 179 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS còn du canh, du cư tại 17 điểm định canh định cư tập trung cho khoảng 956 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn 8 huyện.
Đến nay, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc Chương trình MTQG 1719 cơ bản được xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, còn một số hướng dẫn đã ban hành, nhưng chưa cụ thể, chưa sát thực tiễn, một số nội dung các dự án còn chưa có định mức… dẫn đến khó khăn trong triển khai, thực hiện.
Cụ thể, nguồn vốn sự nghiệp thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề hiện nay được giao theo hai mục chi sự nghiệp bảo đảm xã hội, mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác và chi hỗ trợ đào tạo học nghề. Khi triển khai, cấp cơ sở phải thực hiện theo hình thức tương ứng, nhưng thực tế, người dân ít có nhu cầu hỗ trợ học nghề. Hay trong văn bản Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ phương án phân bổ kế hoạch 5 năm có xác định số nhà tạm của tỉnh Sơn La là 660 nhà, số hộ hỗ trợ đất ở là 1.700 hộ, nhưng khi làm việc với các huyện, nhu cầu thực tế số nhà tạm cao hơn và số hộ hỗ trợ đất lại thấp hơn so với số được giao. Hiện nay, Chính phủ chưa ban hành tiêu chí bản có đông đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù; định mức, hình thức hỗ trợ đối với nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, do đó, tỉnh chưa có cở sở tổ chức thực hiện...
Ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đề nghị với các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình MTQG 1719 để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm điều chỉnh, bổ sung các hướng dẫn, tăng cường phân cấp cho địa phương để địa phương triển khai thực hiện; tham mưu với Chính phủ phê duyệt và bố trí kinh phí triển khai dự án sử dụng vốn chính sách phát triển hỗ trợ Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2030.