Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn: Chuyển động ở Ninh Bình - (KỲ II): Bức tranh kinh tế tuần hoàn ở Ninh Bình
Từ mô hình Đạm Ninh Bình, kinh tế tuần hoàn đang lan tỏa mạnh mẽ trong các khu công nghiệp của tỉnh. Doanh nghiệp không chỉ giảm phát thải, tiết kiệm chi phí mà còn kết nối cộng sinh, biến chất thải thành tài nguyên. Với sự đồng hành của chính quyền, Ninh Bình đang khởi động bức tranh phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa cam kết của việt nam tại COP26.

Quang cảnh Nhà máy sản xuất CO2 lỏng tinh khiết, Khu công nghiệp Khánh Phú, phường Đông Hoa Lư. Ảnh: Anh Tuấn
Chuyển hóa “thải” thành “tài nguyên”
Từ thành công điển hình tại Nhà máy Đạm Ninh Bình, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước tiếp cận, áp dụng mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn. Điểm nổi bật của những mô hình này không chỉ là giảm phát thải, tiết kiệm chi phí, mà còn tạo nên mối liên kết cộng sinh giữa các doanh nghiệp cùng khu vực, hình thành hệ sinh thái công nghiệp thân thiện với môi trường.
Tại khu công nghiệp Khánh Phú, mô hình cộng sinh công nghiệp đang được triển khai hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn. Tiêu biểu là mối liên kết giữa Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình và Công ty Cổ phần Khí Công nghiệp Ninh Bình. Tận dụng khí CO2 thải ra từ quá trình sản xuất phân đạm, Công ty Khí Công nghiệp đã đầu tư hệ thống thu gom, tinh chế, hóa lỏng CO2 với độ tinh khiết trên 99,9%, cung cấp cho các lĩnh vực công nghiệp cơ khí, nước giải khát và thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Khí Công nghiệp Ninh Bình chia sẻ: “Toàn bộ dây chuyền xử lý CO2 được tự động hóa 100%, hiện chúng tôi đang thu gom khoảng 50% lượng khí thải từ Nhà máy Đạm Ninh Bình. Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư mở rộng để xử lý toàn bộ lượng khí phát thải và đa dạng hóa đầu ra phục vụ cả ngành y tế, điện tử, quốc phòng…”.
Không dừng lại ở đó, hiệu ứng cộng sinh lan tỏa sang các doanh nghiệp khác. Công ty Cổ phần Cơ khí Moon Group, đơn vị sử dụng CO2 lỏng trong sản xuất đã đầu tư hai bồn chứa tại nhà máy, giúp tiếp nhận nguồn nguyên liệu ổn định, giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo tiến độ sản xuất. Theo ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng Vật tư của Công ty, việc hợp tác này giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí vận hành, vừa đảm bảo nguồn cung xanh và ổn định.
Những kết nối như vậy không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn mở ra hướng đi mới trong sử dụng tài nguyên, nơi chất thải của đơn vị này trở thành đầu vào giá trị cho đơn vị khác. Đây chính là tinh thần cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế không có khái niệm “rác thải” nếu biết tận dụng đúng cách.
Tại một số nhà máy khác trong khu công nghiệp Khánh Phú, hệ thống xử lý nước tuần hoàn cũng đã được đưa vào áp dụng, cho phép tái sử dụng gần như 100% lượng nước làm mát trong sản xuất, giảm áp lực lên nguồn nước mặt, đồng thời nâng cao hiệu quả vận hành.
Công ty Cổ phân Phân lân Ninh Bình cũng từng là “điểm đen” về môi trường với lò sản xuất phân lân nung chảy, đến nay đã đầu tư hệ thống xử lý nước làm mát tuần hoàn trị giá 15 tỷ đồng. Từ tháng 6/2022, toàn bộ nước trong chu trình sản xuất được tái sử dụng. Không chỉ tiết kiệm tài nguyên nước, hệ thống còn giúp nhà máy vận hành ổn định trong mùa khô, thời điểm nhạy cảm về thiếu nước.
Công nhân Nguyễn Văn Thiện có hơn 20 năm làm việc tại xưởng sấy, nghiền, nhận xét: Trước đây, môi trường làm việc bụi và nóng, giờ thì sạch, mát, thông thoáng hơn rất nhiều. Cơ sở hạ tầng mới giúp chúng tôi yên tâm gắn bó lâu dài.
Những mô hình như thế đang từng bước làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp địa phương, không còn gắn với khói bụi, tiếng ồn và nước thải, mà là những cơ sở sản xuất sạch, tiết kiệm và thân thiện với môi trường. Đó không chỉ là xu hướng bắt buộc, mà đang dần trở thành lựa chọn chiến lược, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Xanh là chiến lược, không chỉ là trách nhiệm
Thành công của các mô hình công nghiệp xanh tại Ninh Bình không thể tách rời sự đồng hành, hỗ trợ nhất quán từ chính quyền các cấp, từ khung chính sách quốc gia đến hành động cụ thể tại địa phương.
Ngay từ đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Trên tinh thần đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND về thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Kế hoạch xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên gồm: công nghiệp, nông, lâm, thủy sản, du lịch, dịch vụ, xây dựng, giao thông, quản lý chất thải và phát triển đô thị.
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể: thu gom, xử lý 95% chất thải rắn đô thị; tái chế tối thiểu 50% rác thải rắn, đặc biệt là nhựa và hữu cơ; 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; giảm 30% lượng chất thải phát sinh so với năm 2020; giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp 1,0 -1,5%/năm trên GDP và đưa kinh tế số chiếm trên 30% GRDP.
Đồng chí Bùi Duy Quang, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: “Kinh tế tuần hoàn không còn là lý thuyết. Với Ninh Bình, đó là một hướng đi tất yếu trong chiến lược phát triển công nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ. Khi xác định công nghiệp văn hóa và du lịch là hai mũi nhọn, thì môi trường sạch-cảnh quan đẹp-năng lượng xanh chính là yếu tố nền tảng”.
Tỉnh đã đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh các tiêu chí cấp phép đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, phát thải thấp. Các khu công nghiệp mới đều được yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật đủ điều kiện chia sẻ năng lượng và nước tái sử dụng, tiền đề để phát triển cộng sinh công nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức các hội thảo chuyên đề, kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia trong và ngoài nước về xu hướng kinh tế tuần hoàn, tạo diễn đàn để doanh nghiệp chia sẻ mô hình, lan tỏa giá trị tốt. Tới đây, Ninh Bình sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hệ thống giám sát tiêu thụ năng lượng thông minh, tăng cường chuyển đổi số trong quản trị tài nguyên và môi trường.
Không chỉ là sự thích ứng, việc phát triển công nghiệp xanh đã trở thành định hướng dài hạn trong Chiến lược phát triển công nghiệp giai đoạn 2025- 2035 của tỉnh. Các mục tiêu đặt ra không chỉ giới hạn ở tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, mà bao gồm các chỉ tiêu về tỷ lệ nước tái sử dụng, mức phát thải giảm dần theo năm và tỷ lệ doanh nghiệp tham gia mạng lưới tuần hoàn.
Có thể nói, từ một vùng công nghiệp còn non trẻ, từng có những “điểm đen” về môi trường, Ninh Bình hôm nay đang ghi dấu sự chuyển động mạnh mẽ của kinh tế xanh-kinh tế tuần hoàn. Đó là hành trình không dễ dàng, nhưng thực tế từ Đạm Ninh Bình, Phân lân Ninh Bình hay cộng sinh khu công nghiệp Khánh Phú cho thấy: với tư duy đổi mới, đầu tư bài bản và sự đồng hành chính sách kịp thời, tăng trưởng kinh tế hoàn toàn có thể đi đôi với bảo vệ môi trường.
Ninh Bình không chỉ thực hiện đúng lộ trình, mà còn đang tiên phong khẳng định vai trò “một địa phương dẫn đường” trong thực hiện các cam kết phát thải ròng bằng “0” của Chính phủ tại COP26, hướng tới phát triển bền vững, tự lực, tự cường, hài hòa giữa thiên nhiên, văn hóa và con người.