Phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam

Ngày 28-11, tại TPHCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh khu vực TPHCM (VCCI-HCM) phối hợp cùng Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam.

Ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, đóng vai trò trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế thủy sản bền vững của quốc gia. Với định hướng từ “Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”, Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm cường độ khai thác tự nhiên, đồng thời đẩy mạnh nuôi biển công nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả và có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 Quang cảnh Hội nghị tổng kết chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam

Quang cảnh Hội nghị tổng kết chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam

Phát biểu tại buổi tổng kết chương trình, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, sự chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang mô hình công nghiệp không chỉ là nhu cầu mà còn là thách thức mang tính chiến lược quốc gia. Việc phát triển nhân lực có kỹ năng, cùng sự hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế là chìa khóa để thúc đẩy ngành nuôi biển Việt Nam đạt được những mục tiêu bền vững và cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.

Cùng quan điểm này, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam chia sẻ: “Liên đoàn Giới chủ Na Uy và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ từ năm 2004. Chương trình đào tạo cho lĩnh vực nuôi biển và nuôi trồng thủy sản là một kết quả rất thiết thực và kịp thời của sự hợp tác này, hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên chiến lược của cả Na Uy và Việt Nam”.

 Người dân tỉnh Kiên Giang nuôi cá lồng bè trên biển

Người dân tỉnh Kiên Giang nuôi cá lồng bè trên biển

Tại hội nghị, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho hay, nuôi biển đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của nhiều địa phương ven biển; thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào chuỗi ngành hàng. Nuôi biển Việt Nam đã và đang chuyển từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ hiện đại, từ nuôi gần bờ sang nuôi vùng biển xa bờ, tích hợp đa giá trị, gắn với các ngành kinh tế biển khác.

Kết quả năm 2023, nuôi biển đạt sản lượng 790.000 tấn, tăng 10,1% so với năm 2022. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu sản lượng 1,45 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu từ 1,8 đến 2 tỷ USD vào năm 2030 thì cần sự nỗ lực của tất cả các mắt xích liên quan đến hoạt động nuôi biển, đặc biệt là bà con nông dân.

Ông Nhữ Văn Cẩn cho biết Cục Thủy sản đánh giá rất cao “Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề và Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề nuôi biển công nghiệp”, cùng với các hoạt động đào tạo, chuyển giao do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì biên soạn và thực hiện. Trong thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chuẩn hóa Bộ tiêu chuẩn này, hợp tác với các nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phat-trien-ky-nang-cho-nganh-nuoi-bien-cong-nghiep-viet-nam-post770445.html