Gỡ nút thắt tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa qua chấm điểm tín dụng
Dự án 'Tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua chấm điểm tín dụng' do FiinGroup hợp tác với IPSC thực hiện vừa chính thức khởi động.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2024 là hơn 202.300 doanh nghiệp. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới khoảng 9,6 tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm 2024 là gần 2.613,1 nghìn tỷ đồng.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chiếm tới 98% trong tổng số các doanh nghiệp, đóng góp khoảng 40-60% GDP của cả nước và giữ vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế.
Rào cản tiếp cận nguồn vốn tín dụng của SMEs
Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), khó khăn lớn nhất của SMEs là việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản bảo đảm, hoặc có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, chỉ khoảng 50-60%.
Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận vốn vay tín chấp do dự án của doanh nghiệp có tính khả thi thấp, báo cáo tài chính thiếu tin cậy, doanh nghiệp thường chưa lập kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính từ 3-4 năm.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs trong quá trình vay vốn, Chính phủ đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho SMEs (Nghị định 34/2018/NĐ-CP). Đây được kỳ vọng là lực đẩy mới cho SMEs phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến chương trình chưa đạt hiệu quả cao.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn thông qua xếp hạng tín nhiệm là một bước đà để phát triển nền kinh tế, đặc biệt trong thị trường hội nhập đầy cạnh tranh hiện nay.
Theo quy định tại Chương II, mục I, Điều 8 Luật Hỗ trợ SMEs năm 2017, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với SMEs dựa trên xếp hạng tín nhiệm và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm SMEs.
Quỹ bảo lãnh tín dụng SMEs được thành lập tại các địa phương sẽ không được từ chối bảo lãnh cho doanh nghiệp đủ điều kiện được bảo lãnh. Việc bảo lãnh tín dụng cho SMEs dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của SMEs.
Để hỗ trợ SMEs tăng cường khả năng tiếp cận vốn, dự kiến quý III và quý IV/2024, VINASME sẽ triển khai xếp hạng tín nhiệm khoảng 100 doanh nghiệp thành viên với 4 tiêu chí: Quản lý tài chính; Quản trị doanh nghiệp; Đánh giá tính khả thi của các dự án sản xuất, kinh doanh; Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nên sử dụng chấm điểm tín dụng đối với các SMEs, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, bởi với số lượng nhân viên ít ỏi, các doanh nghiệp sẽ không có báo cáo tài chính được kiểm toán, chỉ có báo cáo tài chính thuế.
Theo ông Hiếu, chấm điểm tín dụng có thể được thực hiện bằng cách sử dụng những phương pháp về định lượng và sự thẩm định mang tính định tính sẽ phù hợp với loại hình doanh nghiệp này.
Chấm điểm tín dụng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận tài chính
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, hiện nay, một số ngân hàng đã bắt đầu xem xét việc không dùng tài sản đảm bảo, thế chấp khi cho vay SMEs mà dùng tín chấp. Việc chấm điểm tín nhiệm có thể được thực hiện bởi Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại và cả các công ty độc lập như FiinGroup.
Trên thị trường, FiinGroup là đơn vị hàng đầu chuyên cung cấp dữ liệu tài chính, thông tin kinh doanh, phân tích ngành, xếp hạng tín nhiệm và các dịch vụ phân tích dữ liệu khác thông qua các nền tảng công nghệ và hệ thống truy cập thuê bao, dịch vụ theo gói và theo yêu cầu.
Ngày 25/11 vừa qua, Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) và Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam (FiinGroup) đã khởi động dự án "Tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua chấm điểm tín dụng".
Dự án hướng đến nâng cao nhận thức về chấm điểm tín dụng trong tiếp cận vốn đối với các SMEs. Thông qua đánh giá chuyên sâu từ mô hình phân tích và kinh nghiệm chuyên gia từ FiinGroup, các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về vị thế tài chính, điểm mạnh - yếu, khả năng tiếp cận tín dụng.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ nhận được các gợi ý, tư vấn để minh bạch thông tin, nâng cao điểm tín dụng dưới con mắt đánh giá của ngân hàng và các tổ chức tài chính.
Theo nội dung hợp tác, hai bên sẽ tiến hành chấm điểm tín dụng và phân tích chuyên sâu đối với từng doanh nghiệp tham gia dự án. Hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu biết sâu sắc và có các chiến lược nâng cao hồ sơ chấm điểm tín dụng và xin cấp tín dụng.
Dự án đồng thời thực hiện công tác đào tạo cho SMEs về chấm điểm tín dụng và ứng dụng thực tế vào hồ sơ vay vốn. Đồng thời, hỗ trợ kết nối các ngân hàng và các tổ chức tài chính, bao gồm fintech trên thị trường, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho SMEs.
Dự án đặt mục tiêu hỗ trợ kĩ thuật cho ít nhất 200 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng tại Việt Nam, tiếp cận nguồn vốn thành công thông qua các hoạt động mang tính thực tiễn cao, từ đó góp phần xây dựng hệ thống tài chính toàn diện và bền vững hơn.
Đây là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu cho sáng kiến quan trọng nhằm hỗ trợ SMEs Việt Nam tiếp cận sản phẩm tín dụng thuận lợi và phù hợp hơn thông qua việc áp dụng giải pháp chấm điểm tín dụng từ bên thứ ba như FiinGroup.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng giám đốc FiinGroup: "FiinGroup cam kết đồng hành cùng dự án, góp phần tháo gỡ nút thắt về tiếp cận tài chính, tạo động lực mới cho SMEs. Chúng tôi đã và đang nỗ lực tạo ra nhận thức và sự chấp nhận của thị trường đối với các giải pháp chấm điểm tín dụng, gần nhất là các hội thảo quốc tế về phân tích dữ liệu ứng dụng trong ngành tài chính”.
Bên cạnh đó, cũng trong khuôn khổ dự án, FiinGroup sẽ đồng hành tổ chức các buổi workshop tại 3 miền, tạo cơ hội để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chấm điểm tín dụng và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, ông Hiệu cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc hợp phần hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng (SGBs Director), Dự án IPSC Việt Nam cho biết: “Với dữ liệu của 4.500 doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cùng FiinGroup xem xét và lựa chọn những doanh nghiệp phù hợp để hỗ trợ tiếp cận vốn vay. Mục tiêu là tạo ra các hình mẫu thành công, thông qua việc đánh giá và gợi ý cách tiếp cận phù hợp với từng doanh nghiệp.”
Trải qua hơn 16 năm hoạt động, khách hàng và đối tác của FiinGroup là hơn 1.000 tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước với cam kết mang đến thông tin chuyên sâu, đa chiều cùng công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.
Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) là một dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), là chủ dự án.
Năm 2022, IPSC đã khởi động dự án hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp Việt trong 5 năm để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu “Made by Vietnam” dành cho đối tượng là các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và đang tăng trưởng (doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh dưới 500 nhân viên toàn thời gian) và các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ 36 triệu USD cho dự án này với kỳ vọng là bàn đạp cho các doanh nghiệp Việt không chỉ hồi phục và bứt phá sau đại dịch Covid-19 mà còn là cơ hội để phát triển bản thân, chinh phục và định vị thành công thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.
IPSC hướng tới mục tiêu loại bỏ các rào cản về chính sách, thị trường và những rào cản nội bộ cấp doanh nghiệp đang kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ.