Phát triển làng nghề bún Phú Đô gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm ATTP

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an toàn khi sử dụng thực phẩm; nâng cao kiến thức nhận diện thực phẩm an toàn… góp phần đẩy lùi việc sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm không an toàn.

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong tuyên truyền nhận thức về ATTP

Là phường có nghề truyền thống sản xuất bún gần 100 năm nay, hiện nay trên địa bàn phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm có gần 135 hộ sản xuất bún. Nhiều hộ sản xuất từ 5 - 7 tạ/ngày, thậm chí 3 tấn/ngày, thu nhập khá, nuôi sống được gia đình, ổn định công ăn việc làm. Ước tính có tới hơn 50% sản phẩm bún ở thị trường Hà Nội là của làng Phú Đô, mỗi ngày đưa ra thị trường khoảng 80-90 tấn bún.

Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Đô Ngô Thị Ngọc cho biết, ngoài các hộ sản xuất, phường Phú Đô còn có khoảng gần 300 hộ kinh doanh bún.

Các hộ luôn chấp hành nghiêm chỉnh về ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và được cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện để phát triển làng nghề.

Giới thiệu sản phẩm bún của làng nghề Phú Đô.

Giới thiệu sản phẩm bún của làng nghề Phú Đô.

Việc phát triển kinh tế của làng nghề kéo theo đó là ô nhiễm môi trường. Nhận thức được điều này hàng năm Hội phụ nữ thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các hộ thực hiện các quy định về ATTP.

Không chỉ vậy, Hội LHPN phường tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn lựa chọn sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng ATTP; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, không vì lợi nhuận mà mua bán thực phẩm kém chất lượng.

Đặc biệt, nhiều hoạt động hưởng ứng vì ATTP với những chương trình, kế hoạch cụ thể như: vận động hội viên phụ nữ và các hộ sản xuất kinh doanh cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát ATTP trên địa bàn phường….

Hội đã lồng ghép các nội dung thực hiện vào phong trào thi đua. Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”,… đưa tiêu chí “3 sạch” gắn với việc cam kết thực hiện ATTP trong từng hộ gia đình, trong đó, lấy phụ nữ là trung tâm. Đồng thời, hội quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ, cách lựa chọn tiêu dùng sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Sản phẩm bún Phú Đô.

Sản phẩm bún Phú Đô.

Mặt khác, hội phụ nữ chú trọng hướng dẫn, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ là chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề truyền thống cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, Hội LHPN duy trì, nâng chất lượng các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ cam kết thực hiện ATTP, chú trọng đến đối tượng tiểu thương nhằm tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP tại các chợ.

Ngoài ra, hàng năm, Hội LHPN phường đăng ký các mô hình về ATTP, đến nay, hội đã cho ra mắt một số mô hình hoạt động hiệu quả, nổi bật như: mô hình “Sản xuất bún phở sạch ATTP tại hộ gia đình”; mô hình “Ban quản lý chợ đảm bảo ATTP và vệ sinh môi trường”; mô hình “Thu gom, phân loại rác thải tại nguồn”…

Nguy cơ ô nhiễm, mất ATTP từ làng nghề

Nhờ sự tác động của truyền thông, các chương trình giáo dục và những vụ ngộ độc thực phẩm, người dân ngày càng quan tâm đến vấn đề ATTP. Đặc biệt, việc tuyên truyền trên mạng xã hội, zalo về ATTP đến với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Tuy nhiên, theo bà Ngọc, một số người dân còn chủ quan về vấn đề ATTP, chưa hình thành thói quen lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận mà vi phạm quy định về ATTP. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền về ATTP chưa thường xuyên, liên tục.

Sản phẩm bún Phú Đô luôn được các hộ sản xuất, kinh doanh đảm bảo các tiêu chí về ATTP.

Sản phẩm bún Phú Đô luôn được các hộ sản xuất, kinh doanh đảm bảo các tiêu chí về ATTP.

Là chủ hộ sản xuất kinh doanh bún trên địa bàn phường Phú Đô, chị Phạm Thị Duyên - hội viên Hội LHPN phường Phú Đô cho biết, gia đình chị cũng như nhiều hộ sản xuất bún khác trên địa bàn, mỗi ngày sản xuất hàng tạ bún.

Theo chị Duyên, những năm gần đây, sản phẩm bún Phú Đô được chính quyền, địa phương quan tâm nhiều hơn. Nhiều công đoạn sản xuất được thay thế bằng công nghệ tiên tiến, vừa đảm bảo ATTP, vừa đảm bảo chất lượng.

Người dân đã chủ động đầu tư máy móc trong sản xuất như: máy lọc bột, máy làm ra sợi bún, máy vo gạo, máy xay bột ... nên đã tiết kiệm được sức lao động, mỗi ngày có thể làm tới 1-2 tấn gạo một ngày. Nhờ đó, mỗi ngày Phú Đô đưa ra thị trường tiêu thụ lên đến 90 tấn bún.

Nhiều công đoạn sản xuất bún được thay thế bằng công nghệ tiên tiến, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, lại vừa đảm bảo được chất lượng.

Nhiều công đoạn sản xuất bún được thay thế bằng công nghệ tiên tiến, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, lại vừa đảm bảo được chất lượng.

Tuy nhiên, điều chị Duyên lo ngại nhất hiện nay là việc xử lý rác thải trong làng nghề làm bún đang gặp khó khăn. Nước thải chủ yếu thoát ra ngoài cùng đường nước sinh hoạt chung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm môi trường. Dù chính quyền địa phương đã và đang tìm cách tháo gỡ, đảm bảo vừa phát triển kinh tế làng nghề, vừa bảo vệ môi trường, những vấn đề rác thải chưa được giải quyết triệt để.

Do đó, chị Duyên đề nghị chính quyền các cấp quan tâm có biện pháp xử lý dứt điểm nguồn nước thải đối với các hộ sản xuất bún tại phường Phú Đô để đảm bảo nguồn nước, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, có biện pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về ATTP của cơ sở sản xuất.

“Các đơn vị, cơ sở nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác tuyên truyền ATTP, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, khuyến khích sử dụng các ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc thực phẩm” - Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Đô Ngô Thị Ngọc đề xuất giải pháp.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-lang-nghe-bun-phu-do-gan-voi-bao-ve-moi-truong-bao-dam-attp.html