Phát triển làng nghề truyền thống còn nhiều khó khăn

Mặc dù các địa phương trong tỉnh đã có sự quan tâm bảo tồn và phát triển, tuy nhiên việc phát huy hiệu quả hoạt động các làng nghề và làng nghề truyền thống đang gặp không ít khó khăn.

Là làng nghề chuyên làm bánh phở cung cấp cho thị trường toàn huyện nhưng để phát triển được thì người dân ở thôn Đội 1 và Đội 2, xã Nàn Sán (Si Ma Cai) đã phải mở cơ sở ở nhiều địa phương khác mà không thể sản xuất tập trung và cũng chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề.

Làng nghề thêu thổ cẩm ở xã Mường Bo, thị xã Sa Pa đang phát triển nhưng nhỏ lẻ.

Làng nghề thêu thổ cẩm ở xã Mường Bo, thị xã Sa Pa đang phát triển nhưng nhỏ lẻ.

Hộ anh Lùng Phủng Nam, thôn Đội 2, xã Nàn Sán có 3 đời làm nghề tráng bánh phở. Anh Nam tâm sự: Món bánh phở truyền thống ở Nàn Sán có đặc trưng là sử dụng gạo nương chuẩn của địa phương loại gạo theo tiếng Nùng gọi là “khẩu chét” để tạo nên hương vị thơm và ngọt. Mặc dù làm nghề tráng bánh phở gia truyền nhưng để tiêu thụ được sản phẩm thì gia đình phải chuyển cơ sở lên trung tâm thị trấn Si Ma Cai cho tiện bán hàng. Từ khi chuyển lên trung tâm huyện, mỗi ngày cơ sở của gia đình cung cấp ra thị trường khoảng 120 kg bánh phở.

Không chỉ hộ anh Lùng Phủng Nam, mà tại thôn Đội 1, Đội 2, xã Nàn Sán, nơi đã được công nhận làng nghề làm phở truyền thống với khoảng 50 hộ chuyên làm bánh phở, nhưng hiện nay các hộ đều phải mở cơ sở sản xuất ở nơi khác tại huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà, khiến việc phát triển của làng nghề trở nên manh mún và nhỏ lẻ.

Ông Vũ Văn Khanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Địa phương hiện có 7 làng nghề và làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, hiện chỉ có làng nghề làm bánh phở là hoạt động tốt, còn các làng nghề làm hương, may thổ cẩm, nấu rượu… hoạt động nhỏ lẻ, theo mùa vụ và chỉ phục vụ nhu cầu của người dân tại địa phương. Si Ma Cai đang tìm giải pháp phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó việc xây dựng thương hiệu gắn với sản phẩm OCOP đang được tập trung thực hiện; đồng thời gắn với du lịch cộng đồng để thúc đẩy thêm cho sự phát triển của làng nghề.

Huyện Bắc Hà hiện có 2 làng nghề, 2 làng nghề truyền thống. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, hoạt động của làng nghề và làng nghề truyền thống như nấu rượu, làm hương ở xã Bản Phố, xã Thải Giàng Phố vẫn còn nhỏ lẻ theo mô hình hộ gia đình, chưa có sự gắn kết giữa người sản xuất và người kinh doanh, dẫn tới thị trường tiêu thụ không ổn định.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 10 làng nghề và 20 làng nghề truyền thống. Các làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận tập trung vào các nghề: Nấu rượu, may thêu thổ cẩm, đan lát, trạm khắc bạc, làm hương, bánh phở… với 1.278 cơ sở tham gia sản xuất, trong đó có 5 hợp tác xã; 8 tổ hợp tác và 1.265 hộ, với 2.622 lao động. Tuy nhiên, các làng nghệ hiện nay chỉ đem lại thu nhập bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng; thu nhập thấp khiến người lao động ở các làng nghề chưa tập trung cho nghề chính mà chỉ coi là nghề phụ.

Các hộ ở thôn Đội 1, xã Nàn Sán phát triển nghề làm bánh phở truyền thống.

Các hộ ở thôn Đội 1, xã Nàn Sán phát triển nghề làm bánh phở truyền thống.

Theo đánh giá kết quả phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển làng nghề của tỉnh, do Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, nên các địa phương đang khó khăn trong triển khai thực hiện. Thêm vào đó, nguồn vốn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, nên việc hỗ trợ làng nghề phát triển chưa được triển khai. Một số hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ nông dân còn gặp trở ngại trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nên khó huy động được vốn đầu tư sản xuất. Đặc biệt, hiện nay, quy mô sản xuất của làng nghề, làng nghề truyền thống còn nhỏ lẻ, phân tán, mang tính tự phát…

Ông Nguyễn Hữu Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành thông tư hướng dẫn về phát triển ngành nghề nông thôn để địa phương căn cứ thực hiện. Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án tổng thể, dự án thành phần về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề và bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện; ban hành các chính sách hỗ trợ về vốn, đăng ký thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Trong khi đợi những hướng dẫn cụ thể, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã thực hiện một số nội dung hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, vì vậy đã có một số làng nghề dần ổn định hoạt động. Ngoài ra, việc phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng và chương trình mỗi xã một sản phẩm đã và đang mang lại sức sống mới cho các làng nghề.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362626-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-con-nhieu-kho-khan