Phát triển logistics, tránh tiếp tay vận chuyển hàng giả
Với mục đích trục lợi, các đối tượng đã lợi dụng thị hiếu tiêu dùng của người dân, mức độ tự bảo vệ của doanh nghiệp (DN) còn thấp cũng như những kẽ hở của pháp luật để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Khi lướt facebook, thấy trên trang Thanh Đoàn Shop livestream bán sản phẩm ủ tóc bưởi hồng, xuất xứ Thái Lan có mức khuyến mãi lớn: Mua 1 hộp tặng 2 hộp (dung tích 500ml/hộp) với giá chỉ 250.000 đồng, đặc biệt là trang bán hàng này có đến 3.600 lượt người thích và hàng ngàn bình luận khen sản phẩm tốt, nên chị Thanh Hằng (ngụ quận 4, TP Hồ Chí Minh) đã không ngần ngại ấn nút tin nhắn để mua hàng.
Ngay lập tức, phía bán hàng yêu cầu chị Hằng cho số điện thoại liên lạc và địa chỉ để nhận hàng, 3-6 ngày hàng sẽ giao tới và cũng không quên để lại tin nhắn lưu ý “nhận hàng, được kiểm tra hàng thoải mái”. Tin tưởng, chị Hằng cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhà và chờ nhận hàng. Đúng 3 ngày sau, hàng được giao đến, nhìn bên ngoài hộp sản phẩm đúng là nhãn hiệu như shop đã quảng cáo, nên chị Hằng vui vẻ thanh toán tiền. Tuy nhiên, đến khi sử dụng thì kem ủ tóc không thơm mùi bưởi mà có mùi hăng hắc, ủ tóc không mượt mà bị xơ, rối…
Hoang mang, chị Hằng gọi điện lại cho shop để khiếu nại. Anh Thanh Đoàn, chủ shop khẳng định, đây là trang bán hàng giả mạo của Thanh Đoàn Shop. Không riêng sản phẩm ủ tóc, mà kể cả dầu gội, mỹ phẩm… anh cũng nhận được rất nhiều phản ánh của khách hàng khi mua phải hàng kém chất lượng trên các trang bán hàng giả mạo.
Trước tình trạng này, anh đã hướng dẫn cho NTD cách để nhận biết trang bán hàng thật và trang bán hàng giả mạo và cũng đặc biệt lưu ý: Trang bán hàng thật của Thanh Đoàn Shop chỉ nhận số điện thoại của khách hàng qua comment (bình luận), sau đó tư vấn viên sẽ dùng một số điện thoại duy nhất là 0975112xxx để gọi đến khách hàng chốt đơn. Trang chính chủ không có nút “gửi tin nhắn”, vì thế trang nào có nút “gửi tin nhắn” là trang đó giả mạo của của Thanh Đoàn Shop.
Tương tự, chị Hồng Trang (ngụ quận 7) đặt một đôi giày thể thao trên shop Lê Nguyên với giá 570.000 đồng, nhưng khi nhận hàng thì đó là một đôi dép nhựa, bên trong độn thêm một mớ giấy lộn. Khi chị gọi điện đến người bán để khiếu nại thì chị Nga (chủ shop), sau khi kiểm tra lại thông tin đã khẳng định, đơn hàng của chị Hồng Trang vẫn còn đang trên đường vận chuyển, 2 ngày nữa mới tới bưu cục chính để giao cho chị Trang. Như vậy, chị đã nhận hàng của các đối tượng giả mạo.
Theo giải thích của chị Nga, mặc dù chị đã yêu cầu khách hàng để lại thông tin, số điện thoại ở mục “gửi tin nhắn”, nhưng nhiều khách hàng cứ để số điện thoại hoặc địa chỉ công khai ở phần bình luận, nên các shop giả mạo đã nhanh tay “chớp” các thông tin trên của khách hàng, nhanh chóng chốt đơn và cũng nhanh chóng gửi hàng về địa chỉ của khách, trước khi hàng thật được giao tới. Thông thường, những đối tượng này chọn gửi hàng qua bưu điện, không cho đồng kiểm, nên khách hàng khi nhận hàng không được mở ra kiểm tra ngay. Chính vì vậy mà không ít khách hàng đã bị lừa kiểu này và shop cũng đã nhận được nhiều phản ánh của khách hàng bị lừa như vậy. “Khách hàng khi nhận hàng nên mở ra kiểm tra, nếu đơn vị vận chuyển không cho kiểm tra hàng trước thì tốt nhất là không nhận hàng để tránh bị lừa”, chị Nga khuyến cáo.
Hiện nay, việc mua bán trên thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng… trên “chợ” vẫn còn ngoài vòng kiểm soát của cơ quan chức năng. Trong khi đó, các đơn vị vận chuyển cũng chỉ nhận hàng đã được đóng gói sẵn từ phía người bán, không biết được hàng hóa bên trong là gì nên xảy ra không ít trường hợp khi giao đến tay NTD thì đó là hàng giả, hàng phế phẩm, cục gạch, giấy lộn, bìa carton…
Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường nhìn nhận, đối với những đối tượng buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc... sử dụng nhà ở để làm nơi cất giấu hàng hóa hiện đang dần trở nên phổ biến. Đặc biệt, đối với các đối tượng kinh doanh trên môi trường TMĐT, không mở cửa hàng mà biến nhà ở trở thành điểm phân phát hàng hóa. Các đối tượng này sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, các ứng dụng vận chuyển như Grab, Delivery K, Ninjavan, Vietnam Post, Viettel Post… hoặc tham gia các nhóm trên Facebook để tìm người vận chuyển.
“Điều này đang thực sự gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, bởi e ngại với thủ tục khám nhà ở. Đồng thời, sự phát triển của TMĐT cũng kéo theo sự phát triển của ngành logistics. Các đơn vị vận chuyển sẽ trở thành tiếp tay cho các đối tượng này nếu không thực hiện tốt các quy định trong hoạt động bưu chính, vận chuyển bưu kiện”, ông Dũng nói.