Phát triển mạnh mẽ phong trào rèn luyện sức khỏe học đường

Bà Trương Thị Kim Huệ, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ XI - năm 2024.

Bà Trương Thị Kim Huệ, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ XI - năm 2024.

Sau nhiều ngày diễn ra các môn thi đấu, ngày 11-3 tại nhà thi đấu Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao tỉnh chính thức diễn ra Lễ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) tỉnh lần thứ XI - năm 2024.

Trao đổi với Báo Đồng Nai, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Trương Thị Kim Huệ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo HKPĐ tỉnh lần thứ XI - năm 2024, cho biết: “HKPĐ tỉnh lần thứ XI là hoạt động thể thao có quy mô lớn, mang nhiều ý nghĩa, tạo thêm động lực tiếp tục khơi dậy và phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào luyện tập thể thao trong trường học”.

Dấu ấn từ Phong trào Phù Đổng

Trong hơn 40 năm qua đã có 10 lần HKPĐ tỉnh được tổ chức thành công. Theo bà, dấu ấn để lại từ những lần tổ chức đã qua là gì?

- Trước khi tổ chức HKPĐ cấp tỉnh, tỉnh đều tổ chức hội khỏe ở cấp cơ sở (cấp trường và cấp huyện). Nhờ đó, phong trào thể thao học đường có thêm sức bật, chuyển biến tích cực và mạnh mẽ hơn.

Phát triển thể thao học đường chính là nâng cao thể lực, thể chất cho học sinh, giúp các em có thêm sức khỏe, rèn luyện kỹ năng sống tốt. Có thể nói, thể thao là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần giúp con người Đồng Nai trở nên khỏe mạnh, năng động hơn.

Tại Lễ khai mạc HKPĐ tỉnh lần thứ XI - năm 2024, có 1,2 ngàn vận động viên của 11 huyện, thành phố đại diện cho gần 800 ngàn học sinh toàn tỉnh tham dự.

Ngoài mục tiêu nói trên, các kỳ tổ chức HKPĐ còn giúp tỉnh phát hiện, tuyển chọn và đào tạo những vận động viên chuyên nghiệp cho thể thao thành tích cao ở cấp quốc gia và quốc tế. Nếu tính thể thao thành tích cao ở cấp quốc gia thì không thống kê hết, còn ở cấp khu vực và quốc tế, Đồng Nai cũng có nhiều thành tích tiêu biểu. Cụ thể là vận động viên Nguyễn Ngọc Huynh (HKPĐ tỉnh lần thứ VII - năm 2008) được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia và đoạt huy chương vàng vô địch châu Á môn bơi; vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Yến (HKPĐ tỉnh lần thứ VII - năm 2008) được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia đoạt huy chương bạc Sea Games 26 môn bơi và hiện là huấn luyện viên đội tuyển bơi lội tỉnh Đồng Nai. Hay vận động viên Lương Đức Phước tham gia HKPĐ tỉnh lần thứ IX - năm 2016 đoạt huy chương vàng Sea Games 31 ở môn điền kinh.

Từ thành quả thu được qua các kỳ HKPĐ tỉnh, bà đánh giá như thế nào về vai trò và tầm quan trọng của thể thao học đường với phát triển con người Đồng Nai mới?

- Tôi cho rằng, luyện tập thể dục thể thao là vô cùng cần thiết với tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác. Với thể thao học đường, ngoài giúp các em có sức khỏe để học tập tốt còn giúp hoàn thiện các kỹ năng, khả năng phối hợp nhóm trong quá trình học tập và trưởng thành.

Các vận động viên nữ khối trung học phổ thông thi đấu môn võ taekwondo trong chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ XI - năm 2024. Ảnh: Công Nghĩa

Các vận động viên nữ khối trung học phổ thông thi đấu môn võ taekwondo trong chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ XI - năm 2024. Ảnh: Công Nghĩa

Một vấn đề đáng báo động hiện nay là ngày càng nhiều học sinh bị áp lực học tập, bị chi phối thời gian bởi mạng xã hội và những hoạt động không lành mạnh. Do đó, từ gia đình cho đến nhà trường cần phải quan tâm và tạo động lực cho học sinh rèn luyện thể thao nhiều hơn để giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe và điều kiện học tập tốt hơn.

Vậy theo bà, Đồng Nai cần làm gì để phong trào thể thao học đường có điều kiện phát triển?

- Tôi cho rằng, muốn phong trào thể thao học đường phát triển phải có đầu tư bài bản và có tầm nhìn chiến lược vì những lợi ích lâu dài. Cụ thể là từ việc quy hoạch, đầu tư xây dựng trường học phải gắn với đầu tư đồng bộ hệ thống sân chơi, bãi tập, trang thiết bị phục vụ luyện tập thể dục thể thao. Cần đặc biệt chú ý khu vực thành thị quỹ đất ngày càng eo hẹp, trong khi đó học sinh lại đông. Mặt khác, cần tiếp tục quan tâm đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên thể dục, huấn luyện viên các bộ môn thể thao trong trường học một cách bài bản, khoa học.

Nỗ lực vì một kỳ HKPĐ thành công

Ban Chỉ đạo HKPĐ tỉnh đã chuẩn bị như thế nào cho sự kiện thể thao học đường lần này, thưa bà?

- Tiếp nối tinh thần Phù Đổng của dân tộc Việt Nam, từ cuối năm 2023 UBND tỉnh đã chỉ đạo đồng loạt tổ chức HKPĐ cấp cơ sở. Qua đánh giá bước đầu, công tác tổ chức ở cấp cơ sở đã gặt hái được nhiều thành công, tạo động lực cho thể thao học đường trong toàn tỉnh tiếp tục phát triển vững chắc hơn nữa. Việc tổ chức thành công HKPĐ cấp cơ sở cũng chính là những bước chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng cho HKPĐ cấp tỉnh lần thứ XI diễn ra thành công tốt đẹp về mọi mặt như mục tiêu UBND tỉnh đã chỉ đạo.

Quy mô của HKPĐ cấp tỉnh lần này có gì mới so với những lần tổ chức trước đây, thưa bà?

- HKPĐ tỉnh lần thứ XI có 88 đoàn thể thao tham dự tranh tài, gồm: 71 trường trung học phổ thông, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 11 phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố. Quy mô vận động viên tham gia thi đấu cũng được nâng lên với gần 6 ngàn vận động viên thi đấu ở 16 bộ môn. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã huy động gần 300 trọng tài làm nhiệm vụ điều hành các cuộc tranh tài theo đúng Điều lệ, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng.

Các vận động viên tranh tài môn bóng bàn tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ XI - năm 2024.

Các vận động viên tranh tài môn bóng bàn tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ XI - năm 2024.

Lần tổ chức HKPĐ này, ngoài các môn thể thao được tổ chức ở Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh, Sân vận động tỉnh, Ban tổ chức đã quyết định đưa nhiều môn thể thao đến thi đấu ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tại thành phố Biên Hòa. Đây được xem là một cách làm mới để đưa thể thao đến gần hơn với học sinh, giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn phong trào rèn luyện thể dục thể thao.

Để tổ chức HKPĐ thành công, Ban Chỉ đạo HKPĐ tỉnh đã đặt ra những yêu cầu cụ thể nào đối với công tác tổ chức nói chung, nhất là công tác thi đấu?

- HKPĐ cấp tỉnh 4 năm mới có dịp tổ chức một lần, vì vậy từng thành viên ban chỉ đạo, các địa phương, các trường có đoàn thể thao tham gia HKPĐ lần thứ XI phải dành sự quan tâm đặc biệt đối với các vận động viên của đơn vị mình. Riêng công tác tổ chức, điều hành phải phối hợp khoa học, chặt chẽ, đảm bảo tính khách quan, công bằng. Mặt khác, cũng phải rất coi trọng công tác đảm bảo an toàn về mọi mặt cho các vận động viên trong quá trình di chuyển, tập luyện và thi đấu. Chúng tôi cũng chỉ đạo các trưởng đoàn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với nơi vận động viên lưu trú, làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ và vệ sinh thực phẩm.

Giáo viên phụ trách đoàn, các vận động viên tranh tài tại HKPĐ tỉnh lần thứ XI phải luôn đề cao tinh thần thể thao trung thực, cao thượng để tạo cảm hứng thi đấu cho các vận động viên. Phải tuân thủ tính tổ chức, kỷ luật, xem đây là cơ hội tốt nhất để giao lưu, đoàn kết hợp tác, học hỏi kinh nghiệm để cùng nhau đưa phong trào thể dục thể thao của tỉnh lên những tầm cao mới, xây dựng tầm vóc con người Đồng Nai mới.

Xin cảm ơn bà!

Công Nghĩa (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phong-van/202403/phat-trien-manh-me-phong-trao-ren-luyen-suc-khoe-hoc-duong-5c64731/