Phát triển mô hình biến rác thải thành nước rửa chén
Sản phẩm nước rửa chén sinh học từ rác thải hữu cơ ngày càng hoàn thiện về chất lượng, mẫu mã phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Ảnh: THÁI HÀ
Dưới sự hỗ trợ của Sở TN-MT, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, sự nhiệt huyết của Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), sản phẩm nước rửa chén sinh học từ rác thải hữu cơ đã được thương mại hóa thành công và hiện đang hoàn thành các hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình OCOP tỉnh Phú Yên năm 2022.
Từ nhiệt huyết của chủ tịch hội
Theo bà Nguyễn Thị Triêm, Chủ tịch Hội LHPN TP Tuy Hòa, hàng năm, Hội LHPN thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyển giao khá nhiều mô hình cho hội viên phụ nữ nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc có thể duy trì lâu dài và sau đó là phát triển, mở rộng sản xuất được hay không lại phụ thuộc rất lớn vào sự nhiệt huyết, năng động của cán bộ phụ nữ ở cơ sở. Vì vậy, việc mô hình sản xuất nước rửa chén sinh học có thể thương mại hóa thành công có phần đóng góp không nhỏ của chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc.
Chia sẻ về quá trình thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học” và quá trình đưa câu lạc bộ này phát triển, tạo công ăn việc làm cho hội viên, chị Hồng cho biết: “Ban đầu, khi tham gia lớp tập huấn do Hội LHPN tỉnh mở, tôi không tin lắm về hiệu quả của mô hình này mang lại. Tuy nhiên, vì mong muốn học hỏi thêm nên tôi nhiệt tình tham gia và khi có trong tay sản phẩm mẫu, dùng thử thấy hiệu quả, tôi đã triển khai thực hiện mô hình dưới sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị, quy trình sản xuất của Sở TN-MT và Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung”.
Dù đã được tập huấn nhiều lần nhưng khi bắt tay vào thực tế, việc sản xuất thử nghiệm gặp rất nhiều khó khăn khi sản phẩm liên tục bị lỗi và phải làm đi làm lại nhiều lần. “Ban đầu sản phẩm làm ra không thơm, sau đó thì nhiều cặn, không bọt nên người dùng phản hồi không tốt. Quyết tâm phải làm cho bằng được nên tranh thủ buổi trưa, buổi chiều lúc đi làm về, tôi ghé chợ Tuy Hòa hay các điểm bán nước ép xin vỏ cam, vỏ bưởi về làm lại.
Vừa làm vừa học hỏi, đến nay, sản phẩm đã được hoàn thiện, bao bì mẫu mã được thiết kế phù hợp với sản phẩm. Bây giờ, không chỉ chị Hồng mà 12 chị em trong Câu lạc bộ “Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học” rảnh lúc nào là đi gom chất thải hữu cơ lúc đó. Những chất thải gom được, họ có thể chở đến nhà chị Hồng để ủ, hoặc ủ tại nhà, sau đó lấy phần nước thô đưa đến nhà chị Hồng, cho vào máy xử lý. Công việc này giúp các chị em trong câu lạc bộ có thêm thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng/tháng.
Không ngừng tìm hướng phát triển
Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng tự tin nói: “Bây giờ tôi đã nắm được quy trình sản xuất, muốn phát triển, mở rộng sản xuất là điều rất dễ. Vấn đề là muốn mở rộng sản xuất thì phải tìm đầu ra cho sản phẩm; vì vậy, mấy tuần nay, tôi tập trung làm hồ sơ để được cấp mã vạch, rồi lo thủ tục tham gia chương trình OCOP, lại phải xin giấy tờ thành lập HTX. Mọi chuyện nghĩ thì thấy khó nhưng cứ làm từng bước một, chưa hiểu ở đâu sẽ có người hướng dẫn ở đó nên khi các bước này hoàn thành, sản phẩm của chúng tôi sẽ có một vị thế mới, sức cạnh tranh cũng tốt hơn”.
Hiện tại, chị Hồng là người đảm nhiệm hoàn toàn khâu phân phối sản phẩm. Trong đó, kênh bán hàng của chị chủ yếu qua Facebook, fanpage. Ban đầu, chai đựng nước rửa chén như chai nước mắm nhìn không đẹp, sau đó Hội LHPN tỉnh thiết kế nhãn mới, chai mới. Từ lúc bắt đầu triển khai mô hình vào năm 2019 đến nay, sản phẩm không ngừng hoàn thiện. Ban đầu nước thô, không thơm, nay rất thơm và trong. Sản phẩm được phân phối cho các tạp hóa trên địa bàn tỉnh và bán cho các khách hàng ở TP Hồ Chí Minh.
Hiện tại, mỗi ngày nhóm chị Hồng thu từ 150-200kg vỏ cam; đưa ra thị trường mỗi tháng khoảng 800 sản phẩm. Mỗi chai loại 800ml có giá 35.000 đồng. Tính về sức cạnh tranh thì sản phẩm vẫn có ưu thế. Nói về những lợi ích khi sử dụng sản phẩm nước rửa chén sinh học, chị Lê Thị Kim Bích (thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc) cho biết: “Tuy nước rửa chén không đậm đặc nhưng có khả năng làm sạch dầu mỡ rất tốt. Bên cạnh đó, tôi đánh giá rất cao tính an toàn của sản phẩm vì chúng không hóa chất độc hại, không gây kích ứng da, lại thân thiện với môi trường”.
Bà Nguyễn Thị Diện (thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc), thành viên Câu lạc bộ “Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học” cho biết: “Công việc chính của tôi là làm rau màu, còn rảnh ra là chuốt nan đan lát nên việc ủ chất thải hữu cơ chỉ làm gối đầu, nhưng mỗi tháng cũng kiếm thêm được khoảng 2 triệu đồng. Thời gian tới, khi sản phẩm tham gia chương trình OCOP, sức tiêu thụ tăng lên thì tôi sẽ tập trung vào sản xuất. Hiện tại, quy trình kỹ thuật làm nước rửa chén đã được hội viên chúng tôi nắm rất kỹ”.
Mô hình “Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học” là mô hình khởi nghiệp nổi bật của địa phương. Quy trình chế biến từ rác thải thành dung dịch tẩy rửa không phức tạp nên thời gian tới, chúng tôi sẽ mở các lớp tập huấn cho chị em phụ nữ trong xã; đồng thời, Hội LHPN tỉnh cũng đã có kế hoạch tập huấn cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Tôi mong rằng, các năm tiếp sau, sẽ càng có nhiều chị em phụ nữ khởi nghiệp thành công từ mô hình này.